(VnMedia) - Tổng thống Donald Trump hôm qua (2/8) đã miễn cưỡng ký vào dự luật thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, ông Trump đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích dự luật mới cũng như các tác giả của nó đồng thời thể hiện lập trường thách thức Quốc hội Mỹ khi thề sẽ theo đuổi mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga. Về phía Moscow, giới chức Nga tin rằng, việc ông Trump ký dự luật trừng phạt chẳng khác nào lời tuyên chiến với Nga.
"Dự luật Chống lại Các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt" đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và áp đảo của cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ trước đó. Cụ thể, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt mới với số phiếu ủng hộ là 419/3 trong khi Thượng viện thông qua với số phiếu ủng hộ 98/2. Với số phiếu gần như đồng thuận ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ, dự luật này rõ ràng là không thể phủ quyết.
Dự luật mới sẽ áp dụng các đòn trừng phạt về tài chính nhằm vào Nga trong khi tung ra thêm các đòn trừng phạt mới nhằm vào chương trình tên lửa của Iran và ngành công nghiệp hàng hải của Triều Tiên.
Tổng thống Trump đã bị đẩy vào tình thế ép buộc, không thể không ký dự luật mới. Điều đáng nói là dự luật này không chỉ bị Nga phản đối quyết liệt mà còn vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ phía đồng minh thân thiết của Mỹ - Liên minh Châu Âu (EU). Lý do là dự luật vừa được ký sẽ làm phương hại đến các dự án năng lượng của EU với Nga.
Trong tuyên bố được đưa ra sau khi đặt bút ký vào dự luật mới, ông Trump đã lên án dự luật này là “một sai lầm nghiêm trọng” có nguy cơ phá hoại chính sách đối ngoại của Mỹ và chứa đựng “những điều khoản vi hiến rõ ràng” khi chiếm quyền của tổng thống. Tổng thống Trump cũng ám chỉ rằng ông có thể sẽ không thực thi luật đã ký một cách tích cực như các tác giả của nó muốn.
"Hôm nay, tôi đã ký dự luật HR 3364 - “Dự luật Chống lại Các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt". Trong khi tôi ủng hộ tăng cường các biện pháp mạnh tay nhằm trừng phạt và răn đe những hành vi gây hấn và gây bất ổn của Iran, Triều Tiên và Nga thì dự luật này là một sai lầm nghiêm trọng”, ông Trump đã nói như vậy trong một tuyên bố được Nhà Trắng phát đi.
Theo ông Trump, khi vội vàng thông qua dự luật, Quốc hội “đã đưa vào đó một số điều khoản vi hiến một cách rõ ràng”. Vấn đề lớn nhất với dự luật mới là “nó đã xâm phạm vào thầm quyền của tổng thống”, khiến Mỹ trở nên khó khăn hơn trong việc ký các thỏa thuận có lợi và sẽ “đẩy Trung Quốc, Nga và Triều Tiên ngày một lại gần nhau hơn”, ông Trump cảnh báo
“Bất chấp những vấn đề của nó, tôi đã phải ký dự luật vì lợi ích của sự đoàn kết quốc gia”, Tổng thống Trump cho biết. Ông chủ Nhà Trắng nói thêm rằng, “dự luật mới đại diện cho nguyện vọng của người dân Mỹ là muốn nhìn thấy Nga có những bước đi nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ. Chúng tôi hy vọng sẽ có sự hợp tác giữa hai nước trong một loạt các vấn đề toàn cầu chính để các biện pháp trừng phạt không còn cần thiết nữa”.
Những phát biểu trên của ông Trump cho thấy rõ ràng, ông buộc phải ký dự luật trừng phạt Nga. Nếu ông Trump chọn cách phủ quyết nó, cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều có hơn 2/3 số phiếu ủng hộ để có thể gạt bỏ lá phiếu phủ quyết của Tổng thống.
Mặc dù ông Trump đã ký dự luật mới nhưng những phát biểu đầy ẩn ý của ông này khiến giới nghị sĩ và thượng nghị sĩ Mỹ lo ngại. Cách ông Trump nói về dự luật trừng phạt “gây ra hoài nghi sâu sắc về khả năng chính quyền của ông ấy có định thực thi luật hay không hay là ông ấy sẽ tiếp tục khích lệ và thưởng cho sự gây hấn của ông Vladimir Putin”, Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã bày tỏ như vậy trong một tuyên bố
Thượng nghị sĩ Cory Gardner - người đóng vai trò then chốt trong việc vạch ra dự luật mới, cũng thể hiện sự lo ngại về những phát ngôn của Tổng thống sau khi đặt bút ký vào dự luật. “Tôi cho rằng, có cách để bất kỳ tổng thống nào cũng có thể chiếm lấy vai trò của hệ thống lập pháp. Đó là lý do tôi luôn lo ngại”.
Dù thế nào, dự luật mới của Mỹ cũng sẽ gây ra “tổn thất to lớn” đối với mối quan hệ Nga-Mỹ, ông Konstantin Kosachev - người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga, đã nhận định như vậy. Theo ông này, “hậu quả của việc thực thi luật mới chắc chắn sẽ được cảm nhận rõ ràng trong mối quan hệ Nga-Mỹ trong nhiều năm tới hoặc thậm chí nhiều thập kỷ”.
Trong phản ứng đầu tiên, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cho rằng, Mỹ thực sự đã “khơi mào một cuộc chiến thương mại” với Nga bằng cách thắt chặt các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, ông Medvedev tự tin khẳng định, những đòn trừng phạt đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì và Nga vẫn có thể tiếp tục phát triển.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc