Vì Nga, Tổng thống Donald Trump đối đầu với Quốc hội Mỹ?

13:32, 24/07/2017
|

(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với viễn cảnh đối đầu với Quốc hội sau khi các nghị sĩ của Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí tung ra những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì cáo buộc điện Kremlin can thiệp vào cuộc bầu cử hồi năm ngoái ở Mỹ.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Trump trong cuộc gặp gỡ trực tiếp mặt đối mặt đầu tiên ở Đức gần đây.
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Trump trong cuộc gặp gỡ trực tiếp mặt đối mặt đầu tiên ở Đức gần đây.

Gói biện pháp trừng phạt toàn diện chuẩn bị được tung ra cũng là nhằm để trừng phạt Nga về vấn đề Ukraine. Động thái này sẽ đi ngược lại với tiến trình mà Nhà Trắng đang khởi động nhằm làm dịu căng thẳng với Moscow.

Tổng thống Trump gần đây liên tục có những động thái làm thân với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh FBI và Quốc hội đang thúc đẩy điều tra về mối quan hệ giữa Moscow với chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Dự luật trừng phạt Nga dự kiến sẽ được thông qua vào ngày mai (26/7). Đây sẽ là thời điểm ông Trump phải đưa ra quyết định quan trọng đầu tiên về việc liệu có dùng quyền phủ quyết để bác bỏ dự luật quan trong nói trên hay không.

Nhà Trắng phản đối một phần quan trọng của dự luật, trong đó cho phép Quốc hội có thể xem xét lại bất kỳ quyết định nào trong tương lai của Tổng thống Trump về việc sửa đổi hoặc chấm dứt chính sách trừng phạt Nga. Ông Trump sẽ phải trình báo cáo lên Quốc hội về bất kỳ động thái nào mà ông muốn thực thi nhằm “thay đổi đáng kể chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga”. Sự thay đổi đó bao gồm việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hay trao trả lại hai tổ hợp tòa nhà ngoại giao của Nga ở Maryland và New York bị Mỹ phong tỏa hồi cuối năm ngoái.

Quốc hội sẽ có 30 ngày để quyết định xem liệu có cho phép Tổng thống Trump thực hiện những thay đổi liên quan đến chính sách trừng phạt Nga hay không.

Nhà Trắng đang đưa ra những thông điệp mâu thuẫn nhau về dự luật nói trên.

Bà Sarah Huckabee Sanders – thư ký báo chí mới của Nhà Trắng, ám chỉ rằng Tổng thống Trump sẽ chấp nhận dự luật. Bà Sanders cho hãng tin ABC News biết: "Chính quyền Mỹ ủng hộ chính sách cứng rắn đối với Nga, đặc biệt là trong việc duy trì các biện pháp trừng phạt, và chúng tôi ủng hộ dự luật đó”.

Tuy nhiên, ông Anthony Scaramucci – giám đốc truyền thông mới của Tổng thống Trump, lại nói với tờ CNN rằng: “Các bạn phải tự mình đi hỏi Tổng thống Trum về điều đó. Ông ấy chưa đưa ra quyết định về việc có ký dự luật đó hay không”.

Giới chính khách ở cả hai đảng lo ngại về những tuyên bố của Tổng thống Trump về Nga cho rằng dự luật trừng phạt sẽ phát đi một thông điệp cho Tổng thống về việc cần phải áp dụng lập trường cứng rắn hơn với ông Putin.

Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng phản đối dự luật, nói rằng nó sẽ “trói chặt tay” của Tổng thống và ông ấy cần phải có năng lực để thay đổi chính sách trừng phạt dựa vào sự phát triển của mối quan hệ giữa Nga và Mỹ.

Nếu Tổng thống Trump dùng quyền phủ quyết bác bỏ dự luật trừng phạt thì điều này sẽ gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong giới chính khách của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga là trung tâm của cuộc điều tra về việc liệu có có sự “thông đồng, bắt tay nhau” giữa ai đó trong đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump với Moscow hồi năm ngoái.

Các nhà điều tra ở Mỹ đang tìm hiểu về nội dung của một cuộc gặp gỡ giữa một luật sư của Nga với con trai của Tổng thống Trump - Donald Trump Jr, con rể của ông - Jared Kushner, và Chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump - Paul Manafort hôm 9/6/2016. Ba người này đều có cuộc điều trần trước Quốc hội trong tuần này.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc