(VnMedia) - Người đứng đầu các chiến dịch đặc biệt của quân đội Mỹ - Tướng Tony Thomas hồi cuối tuần vừa rồi lên tiếng xác nhận, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thực sự đặt dấu chấm hết cho chương trình hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Diễn biến này khiến người ta đặt câu hỏi phải chăng Mỹ đã chấp nhận thua cuộc trước Nga và đang lẳng lặng rút dần ra khỏi chiến trường Syria?
Tuy nhiên, Tướng Tony Thomas bác bỏ việc họ kết thúc chiến dịch kéo dài 4 năm qua ở Syria là cách để nhượng bộ trước Nga và tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực tây nam Syria.
Đó là một “quyết định rất, rất khó khăn” nhưng “hoàn toàn không phải là để nhượng bộ, lấy lòng Nga”, Tướng Thomas khẳng định tại một diễn đàn ở Aspen, Colorado.
"Tôi cho rằng, quyết định đó được đưa ra dựa trên những đánh giá về bản chất của chương trình, mục tiêu mà chúng tôi cố gắng đạt được cũng như tính khả thi của việc tiếp tục theo đuổi chương trình”, ông Thomas nói thêm.
Khi được đề nghị bình luận về những phát biểu của Tướng Thomas, CIA đã từ chối bình luận.
Trước đó, hồi giữa tuần trước, tờ Washington Post bất ngờ đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ kết liễu chương trình gây tranh cãi của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) về việc trang bị vũ khí và huấn luyện cho phe nổi dậy Syria thân Mỹ - lực lượng chống lại chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad được Nga hậu thuẫn.
Tờ Washington Post cho biết họ đã nói chuyện với các quan chức giấu tên của Mỹ và những quan chức này tiết lộ rằng Tổng thống Trump chuẩn bị hủy bỏ cả chương trình cung cấp vũ khí lẫn chương trình huấn luyện cho phe nổi dậy Syria bởi các chương trình đó đã cho thấy sự không hiệu quả và vì Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Nga – nước luôn kêu gọi Washington rút lại sự ủng hộ dành cho phe nổi dậy.
Các quan chức giấu tên cho biết, Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định nói trên sau cuộc gặp với Giám đốc CIA Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster. Đây là một phần của các hoạt động chuẩn bị cho cuộc gặp được chờ đợi hôm 7/7 giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Vladimir Putin. Sau cuộc gặp trực tiếp mặt đối mặt đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Trump, một trong những kết quả chính đạt được là hai nước Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thiết lập một vùng an toàn ở tây nam Syria. Các nguồn tin của tờ Washington Post cho hay, việc ngừng vũ trang cho các phe nhóm nổi dậy Syria không phải là một phần của cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn nói trên bởi tiến trình đó đã bắt đầu từ trước.
Theo lời ông Trump, mục tiêu chính mà Mỹ cần tập trung ở Syria nên là tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chứ không phải là chống đối lại chính quyền của Tổng thống Assad. Như vậy, một lần nữa Washington đã chính thức thừa nhận từ bỏ mục tiêu lật đổ chính quyền của ông Assad – một mục tiêu mà Mỹ đã kiên trì theo đuổi suốt nhiều năm và đổ không ít công sức, tiền của cho mục tiêu này.
Dù tuyên bố quyết định hủy bỏ chương trình hậu thuẫn cho phe nổi dậy Syria không liên quan đến Nga nhưng rõ ràng đây được xem là một thắng lợi cho Nga, cho Tổng thống Assad và là thất bại cho phe nổi dậy Syria.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã thông qua chương trình trợ giúp phe nổi dậy Syria năm 2013 khi các nhóm nổi dậy khác nhau tìm kiếm sự giúp đỡ trong cuộc nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad. Nhờ chương trình đó, hàng ngàn chiến binh nổi dậy Syria đã được đào tạo và được vũ tragn.
Tuy nhiên, cam kết của Mỹ đối với phe nổi dậy Syria vẫn rất mập mờ do thiếu niềm tin và phe nổi dậy Syria và nhiều người cho rằng đây là một trong những lý do khiến phe nổi dậy Syria không thể đánh bại được quân của Tổng thống Assad.
Sự ủng hộ của Mỹ dành cho chương trình nói trên bắt đầu giảm sút dần từ năm ngoái sau khi phe nổi dậy liên tục bại trận trên chiến trường, đặc biệt là ở thành phố Aleppo.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc