(VnMedia) - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua (21/6) tuyên bố, ông không thấy nhân vật nào có thể kế nhiệm hợp pháp Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và rằng Pháp không còn đặt ra yêu cầu ông Assad từ chức như là điều kiện tiên quyết để giải quyết cuộc xung đột đẫm máu kéo dài suốt hơn 6 năm qua ở quốc gia Trung Đông.
Theo lời ông Macron, Tổng thống Assad là kẻ thù của người dân Syria nhưng không phải của Pháp, và ưu tiên của Pháp là chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố cũng như đảm bảo Syria không trở thành một quốc gia thất bại.
"Quan điểm mới của tôi về vấn đề Syria là tôi không tuyên bố sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad là điều kiện tiên quyết cho tất cả mọi thứ, bởi không ai thể hiện được họ có thể là người kế nhiệm hợp pháp ông ấy. Lập trường của tôi cũng rất rõ ràng: Trước hết, cần một cuộc chiến toàn diện để chống lại tất cả các nhóm khủng bố. Chúng là kẻ thù của chúng ta. Chúng ta cần sự hợp tác của tất cả mọi người, đặc biệt là Nga, để diệt trừ khủng bố”, Tổng thống Macron đã phát biểu như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn cùng lúc 8 tờ báo của Châu Âu. Ông Macron nhấn mạnh đến thực tế là những cuộc tấn công khiến 230 người Pháp thiệt mạng đều xuất phát từ khu vực Trung Đông.
Nhà lãnh đạo mới của Pháp cho biết thêm, ưu tiên thứ hai của Paris là đảm bảo sự ổn định cho đất nước Syria để nước này không trở thành một quốc gia thất bại, tan vỡ.
Những phát biểu trên của tân Tổng thống Pháp đối ngược hoàn toàn với những tuyên bố trước đây của chính quyền tiền nhiệm và nó phù hợp với lập trường của Moscow về việc không có sự lựa chọn khả thi thể để thay thế ông Assad.
Cho đến gần đây, Pháp vẫn là nước ủng hộ mạnh mẽ cho phe đối lập Syria chống lại chính quyền của Tổng thống Assad. Pháp yêu cầu giải quyết cuộc xung đột thông qua một quá trình chuyển giao chính trị dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do các bên tham chiến ở Syria và Liên Hợp Quốc thỏa thuận tại Geneva.
Tuy nhiên, chiến thắng của ông Macron trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp mới đây đã mở ra cơ hội để Paris xem lại chính sách của nước này đối với Syria. Một số người tin rằng, lập trường về Syria của chính quyền tiền nhiệm quá cứng nhắc và khiến họ bị cô lập. Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande công khai ủng hộ sự thay đổi chính quyền ở Syria. Dưới thời ông Hollande, Pháp đã sẵn sàng ủng hộ Mỹ tấn công Damascus vào mùa thu năm 2013 cho đến khi Moscow can thiệp vào và làm dịu tình hình.
“Assad là nguồn gốc của vấn đề và không thể là một phần của giải pháp”, Tổng thống Hollande phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2015.
Khác với người tiền nhiệm Hollande, tân Tổng thống Macron có lập trường về Syria gần với Nga hơn. Ông Macron cũng không ngần ngại thể hiện mong muốn hợp tác với Moscow trong cuộc chiến chống khủng bố.
Nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố, ông sẽ không cho phép “chủ nghĩa bảo thủ mới của Mỹ” thấm vào Pháp và rằng chính sách của Pháp tập trung vào mục tiêu đạt được “sự ổn định” ở Syria chứ không phải để họ bị lôi vào một cuộc xung đột kiểu Libya. “Kết quả của những sự can thiệp đó là gì? Những quốc gia thất bại và một loạt nhóm khủng bố nở rộ. Tôi không muốn điều đó xảy ra ở Syria”, ông Macron nhấn mạnh.
"Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cần phải có một giải pháp ngoại giao và một lộ trình chính trị. Chúng ta sẽ không giải quyết cuộc khủng hoảng này chỉ bằng biện pháp quân sự”, Tổng thống Pháp nói thêm.
Ông Macron cũng đặt niềm tin vào Tổng thống Nga Putin. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng, ông có thể làm việc với người đồng cấp Putin trong cuộc chiến chống khủng bố và tìm một giải pháp cho vấn đề Syria. "Tôi không nghĩa ông ấy có một mối quan hệ tình bạn không thể lay chuyển với Assad. Ông ấy có hai nỗi ám ảnh, đó là chống chủ nghĩa khủng bố và tránh để Syria biến thành một quốc gia thất bại. Đây là quan điểm tương đồng với chúng tôi. Tôi tôn trọng ông Vladimir Putin. Tôi đã có những cuộc trao đổi mang tính xây dựng với ông ấy. Chúng tôi thực sự có những bất đồng, cụ thể là về vấn đề Ukraine, nhưng ông ấy hiểu lập trường của tôi”, ông Macron cho biết đồng thời bày tỏ sự hoan nghênh về khả năng đối thoại giữa Nga và Pháp. Ông Macron cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng hợp tác song phương Nga-Pháp.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc