(VnMedia) - Trong bối cảnh Qatar đang bị kẹt trong vòng vây ngày một siết chặt của nhiều nước láng giềng, nước này nhận được sự hỗ trợ của một loạt nước.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi cuối tuần vừa rồi đã có cuộc tiếp đón người đồng cấp Qatar đến thủ đô Moscow để bàn về cuộc khủng hoảng này. Ngoại trưởng Nga Lavrov đã hội đàm với người đồng cấp Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani về cuộc khủng hoảng ngoại giao vừa bùng lên ở Trung Đông cũng như cách thức giải quyết cuộc khủng này.
Giới chức Nga cho rằng, đối thoại trực tiếp sẽ là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến Qatar nhưng nhấn mạnh Moscow sẽ không can thiệp vào các vấn đề thuộc về nội bộ của các nước khác.
Trong một động thái thể hiện sự ủng hộ dành cho Qatar, Nga tuyên bố sẵn sàng tăng nguồn cung cấp thực phẩm, lương thực cho Qatar. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Nga chưa nhận được yêu cầu chính thức nào từ phía Qatar.
Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tuần vừa rồi cũng đã chuyển lương thực, thực phẩm và các sản phẩm từ sữa đến cho Qatar sau khi hàng loạt quốc gia Ả-rập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha vì cáo buộc nước này tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.
Ông Shahrokh Noushabadi - một phát ngôn viên của hãng hàng không Iran Air – cho hay, chiếc máy bay thứ sáu chở đầy rau củ của Iran đã đến Qatar hôm 11/6. Tính đến thời điểm đó, đã có khoảng 90 tấn rau củ của Iran được chuyển đến cho Qatar trong giai đoạn khó khăn. Theo lời ông Noushabadi, những chuyến bay như vậy “sẽ được tiếp tục dựa trên nhu cầu” của người dân Qatar.
Qatar đã nhận được hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm nhập khẩu từ các công ty của Iran trong vài ngày qua, báo chí Iran đưa tin. 45 tấn các sản phẩm từ sữa của Iran cũng đã được chuyển đến Qatar hàng ngày.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tham gia vào chiến dịch giúp đỡ cho Qatar bằng cách cung cấp các mặt hàng từ sữa.
Những hoạt động trên diễn ra trong bối cảnh Qatar đang phải đối mặt với sự phong tỏa về kinh tế chặt chẽ từ Ả-rập Xê-út, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Ai Cập và nhiều nước khác.
Ả-rập Xê-út và một loạt đồng minh của họ hôm 5/6 đã bất ngờ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này hậu thuẫn cho khủng bố. Diễn biến trên châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất ở khu vực Trung Đông trong nhiều năm trở lại đây và khiến người dân Qatar rơi vào trạng thái lo lắng, hoảng loạn.
Sau tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, Riyadh đã cửa biên giới giữa Ả-rập Xê-út với Qatar – con đường nhập khẩu hàng hóa qua đất liền duy nhất của Qatar. Gần 40% các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhập khẩu của Qatar đi qua con đường này. Là một quốc gia sa mạc, Qatar sản xuất được chưa đầy 10% nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước. Năm 2012, Qatar nhập khẩu đến 99,5% ngũ cốc, 83,4% rau, 86% hoa quả, 93,6% thịt, 95% đậu và 100% dầu ăn.
Việc Ả-rập Xê-út đóng cửa biên giới với Qatar đã khiến người dân Qatar nháo nhào đổ đến các siêu thị mua thực phẩm dự trữ.
Hồi cuối tuần, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về “tình trạng đau lòng và nỗi sợ hãi” gây ra từ cuộc khủng hoảng ngoại giao mà Ả-rập Xê-út và các đồng minh khởi xướng và ở đó Doha đang bị các nước láng giềng bao vây, cô lập.
"Ả-rập Xê-út, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất đang đùa giỡn với cuộc sống của hàng nghìn người dân vùng Vịnh trong cuộc khủng hoảng với Qatar. Họ đang chia rẽ các gia đình và phá hủy cuộc sống cũng như giáo dục của nhiều người dân", Tổ chức Ân xá Quốc tế chỉ trích.
"Đối với hàng ngàn người dân khắp vùng Vịnh, ảnh hưởng của những bước đi được tung ra sau cuộc khủng hoảng chính trị vừa rồi là rất đau lòng, khổ sở và đáng sợ. Những biện pháp đó đang gây ra hậu quả tàn nhẫn, tách con trẻ khỏi cha mẹ của chúng và tách chồng khỏi vợ”, Tổ chức Ân xá Quốc tế nói thêm.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc