Bí ẩn sau tin Philippines cầu cứu Mỹ trong thế trận tuyệt vọng ở Marawi

08:30, 12/06/2017
|

(VnMedia) - Sau khi Mỹ thông báo đã phái lực lượng đặc nhiệm đi hỗ trợ cho Manila trong cuộc chiến giằng co đầy thách thức nhằm chống lại lực lượng chiến binh Hồi giáo ở thành phố Marawi, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bất ngờ lên tiếng khẳng định ông chưa bao giờ đề nghị sự giúp đỡ từ Washington. Diễn biến mới nhất này là một dấu hiệu thêm nữa cho thấy mối quan hệ lên xuống thất thường giữa Mỹ với đồng minh Philippines.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte

Quân đội Philippines đang có cuộc chiến đấu đầy khó khăn với lực lượng chiến binh Hồi giáo có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Lực lượng khủng bố hôm 23/5 đã bất ngờ đột kích vào Marawi và nhanh chóng đánh chiếm thành phố này. Kể từ đó, các lực lượng vũ trang Philippines đã phát động chiến dịch quân sự nhằm đánh đuổi nhóm chiến binh và giành lại quyền kiểm soát thành phố Marawi.

Tuy  nhiên, cuộc chiến ở Marawi đã kéo dài suốt hơn 3 tuần qua trong thế trận giằng co. Quân đội Philippines đến nay vẫn chưa thể dứt điểm được cuộc chiến này trong khi lực lượng khủng bố vẫn ngoan cố cố thủ và bám trụ tại những khu vực mà chúng còn nằm giữ trong tay.

Trong bối cảnh quân đội Philippines rõ ràng là lúng túng và tuyệt vọng, Đại sứ quán Mỹ tại Manila hôm 10/6 đã bất ngờ thông báo, họ đang cử lực lượng đi giúp đỡ quân đội Philippines. Cụ thể, Lầu Năm Góc đã phái đội quân đặc nhiệm đến trợ giúp cho quân đội Philippines trong cuộc chiến ở Marawi. Giới chức Mỹ không tiết lộ chi tiết cụ thể về nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm nói trên, chỉ cho biết quân của họ không tham gia chiến đấu trực tiếp.

Tuy nhiên, chỉ đúng một ngày sau thông báo trên, ngày hôm qua (11/6), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhanh chóng lên tiếng phản bác, khẳng định ông không hề đề nghị phía Mỹ giúp đỡ trong cuộc chiến ở Marawi.

Phát biểu trước các phóng viên, ông Duterte cho hay, ông “chưa bao giờ tiếp cận với Mỹ” để đề nghị Mỹ cung cấp sự giúp đỡ về quân sự và ông “không hề biết về điều đó cho đến khi họ tới”, nguồn tin từ Reuters cho biết.

Tổng thống Duterte lâu nay vẫn bác bỏ mối quan hệ đồng minh lâu năm giữa Washington và Manila. Thậm chí ông này còn công khai bày tỏ ý định rời xa Mỹ để kết thân với Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào lực lượng đặc nhiệm Mỹ lại được chính quyền địa phương cho phép tham gia vào cuộc chiến ở Marawi nếu như quân đội Philippines không kêu gọi sự giúp đỡ và điều này không nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Duterte.

Một phát ngôn viên của quân đội Philippines khẳng định, các lực lượng quân sự Mỹ đang cung cấp sự giúp đỡ về mặt hậu cần và trinh sát cho họ nhưng không “triển khai quân trên chiến trường”. Vị phát ngôn viên trên cũng xác nhận tuyên bố của Lầu Năm Góc về việc Mỹ đang tham gia vào cuộc chiến ở Marawi theo đề nghị của một cơ quan trong chính phủ của ông Duterte. Tuy nhiên, phát ngôn viên của quân đội Philippines không cung cấp danh tính của cơ quan nói trên.

Tuyên bố từ trong nội bộ chính quyền Tổng thống Duterte nhấn mạnh, các lực lượng Mỹ bị cấm tham gia cuộc chiến ở Philippines. Tuy nhiên, “cuộc chiến chống khủng bố không chỉ là mối quan ngại của riêng Philippines hay của Mỹ mà là nỗi lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới. Philippines để ngỏ sự giúp đỡ từ các nước khác nếu họ sẵn lòng”, tuyên bố trên đã viết như vậy.

Tổng thống Duterte đã tuyên bố chế độ thiết quân luật ở đảo Mindanao sau khi lực lượng chiến binh Hồi giáo đánh chiếm thành phố Marawi trong khu vực. Ông Duterte tuyên bố, theo luật về chế độ thiết quân luật, ông có thể kiểm soát quân đội của Philippines.

Tổng thống Philippines không bình luận gì về cáo buộc giới chức quân đội nước này qua mặt ông để đề nghị Mỹ giúp đỡ. Thay vào đó, ông Duterte phát biểu: “Các binh sĩ của chúng tôi ủng hộ Mỹ, và đó là điều tôi không thể phủ nhận”.

Khoảng 300 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến ác liệt ở Marawi, trong đó có các binh sĩ, dân thường Philippines và cả chiến binh khủng bố. Ước tính đã có đến 250.000 người phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn khi chiến sự nóng bỏng diễn ra ở Marawi.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc