(VnMedia) - Trong một động thái có thể được xem là một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Triều Tiên, Bắc Kinh có thể đã sẵn sàng ủng hộ việc gia tăng áp lực kinh tế đối với nước láng giềng đồng minh nhằm chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
CHDCND Triều Tiên hồi cuối tuần vừa rồi đã phóng đi một tên lửa đạn đạo chỉ vài giờ trước khi Trung Quốc chuẩn bị khai mạc một sự kiện ngoại giao toàn cầu quan trọng nhất của nước này. Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường ở thủ đô Bắc Kinh có sự tham dự của những lãnh đạo hàng đầu thế giới, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vụ thử tên lửa không đúng thời điểm của Bình Nhưỡng lại một lần nữa làm dấy lên phản ứng tức giận của thế giới trước việc nước này tiếp tục thách thức cộng đồng thế giới bằng các hoạt động quân sự đã bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm.
Giới phân tích quan sát sự việc nhận định, Bắc Kinh hiện tại có thể đã sẵn sàng ủng hộ lời kêu gọi của Washington về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên như một phương tiện nhằm chấm dứt những hành động mà phương Tây miêu tả là sự gây hấn của Bình Nhưỡng.
Theo lời kêu gọi cấp bách của Mỹ và Nhật Bản, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành họp khẩn vào ngày hôm nay (16/5) để thảo luận về đòn đáp trả đối với vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên.
Giới chuyên gia về chính sách đối ngoại xem vụ phóng tên lửa hôm Chủ nhật (14/5) của Triều Tiên là một bước ngoặt. Giáo sư Su Hao đến từ trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng, Bình Nhưỡng “sẽ phải chịu trách nhiệm và phải trả giá” cho việc đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Vụ thử tên lửa cũng có thể là cơ hội để Trung Quốc thể hiện rằng mình có thể đưa ra một số kế hoạch phù hợp để xử lý vấn đề Triều Tiên trong khuôn khổ cộng đồng quốc tế”, Giáo sư Su Hao nói thêm.
Những cách khác có thể được đưa ra như phương tiện để buộc Bình Nhưỡng phải ngồi vào bàn đàm phán bao gồm lời đề nghị của Bắc Kinh về việc cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tị nạn hoặc cắt đứt nguồn nhiên liệu chính của Triều Tiên – đó là dầu mỏ của Trung Quốc. "Tuy nhiên, đây sẽ là biện pháp cuối cùng Trung Quốc muốn dùng đến bởi giới lãnh đạo Trung Quốc sợ rằng, hậu quả sẽ quá lớn để có thể kiểm soát được”, ông Lee Dong-ryul đến từ Trường Đại học Phụ nữ Dongduk của Hàn Quốc, nhận định.
Hồi tháng Hai, Bắc Kinh đã tuyên bố ngừng nhập khẩu than đá của Triều Tiên. Đây là đòn trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay mà Bắc Kinh dùng để đối phó với đồng minh thân thiết Triều Tiên.
Trung Quốc luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Dù phản đối các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Bắc Kinh lâu nay vẫn cố gắng tránh không làm tổn thương mối quan hệ với Bình Nhưỡng bởi Triều Tiên có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc. Bởi nó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đang ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với vụ thử hạt nhân và tên lửa đầy thách thức mà Triều Tiên liên tiếp thực hiện trong thời gian qua.
Mỹ cũng đang gây áp lực với Trung Quốc để nước này dùng ảnh hưởng của mình gây sức ép buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc