Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ thông báo sẽ tiến hành vụ thử nghiệm dùng hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD) bắn hạ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần đầu tiên vào ngày mai (30.5). Lầu Năm Góc từng sử dụng GMD hiện hữu để đánh chặn nhiều loại tên lửa khác, ngoại trừ ICBM. Cuộc thử nghiệm sẽ được tiến hành từ một căn cứ ở bang California, hướng ra Thái Bình Dương, với mục tiêu giả lập được thiết kế tương tự ICBM của Triều Tiên đang hướng đến nước Mỹ.
Lâu nay, giới chuyên gia tỏ ra nghi ngờ năng lực của GMD do hệ thống này do chỉ đánh chặn tên lửa thành công 9 lần trong số 17 cuộc thử nghiệm kể từ năm 1999, không bao gồm ICBM. Đợt gần đây nhất là vào tháng 6.2014, khi đó GMD ba lần liên tiếp đánh chặn thất bại, dù Mỹ đã chi hàng tỉ USD nâng cấp hệ thống này.
Giới phê bình cho rằng tỉ lệ thất bại của GMD là 67% và hệ thống này kém hiệu quả nếu chiến tranh thật sự bùng nổ bởi vì mục tiêu giả lập thường bay chậm hơn tên lửa thật sự (di chuyển với vận tốc 6 km/giây khi sắp đến gần mục tiêu tấn công).
“Tôi không thể hình dung được quân đội Mỹ sẽ phải làm gì nếu cuộc thử nghiệm ngày 30.5 thất bại. Đã có chỉ đạo "từ trên" là sự kiện này bắt buộc phải thành công để dằn mặt Triều Tiên”, tờ Chicago Tribune dẫn lời ông Philip Coyle, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí Mỹ, cho biết.
Giới chuyên gia dự đoán đến năm 2020 Triều Tiên sẽ sở hữu ICBM có thể vượt qua Thái Bình Dương, vươn tới Mỹ. Bình Nhưỡng gần đây nhiều lần khẳng định có thể tấn công Mỹ bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Công nghệ tên lửa mới
Triều Tiên gần đây phóng thử nghiệm hàng loạt tên lửa công nghệ mới khiến Mỹ phải lo ngại, theo tờ The New York Times (Mỹ). Thế hệ tên lửa mới của Triều Tiên được trang bị động cơ dùng nhiên liệu rắn, nên chúng có thể được đưa ra khỏi hầm sâu trong núi và phóng chỉ trong vòng vài phút. Điều này thách thức GMD vốn chỉ có thể hoạt động hiệu quả nhờ vào hệ thống cảnh báo sớm từ vệ tinh.
Đáng chú ý nhất là các tên lửa mới của Triều Tiên đều hoạt động hiệu quả, không giống thế hệ trước đa phần nổ tung hay rơi xuống biển quá sớm trong những đợt thử nghiệm. Các cuộc thử nghiệm gần đây diễn ra thành công, giúp Triều Tiên rút ra nhiều kinh nghiệm về cách phóng tên lửa vào không gian và đánh trúng mục tiêu tầm xa.
Trước đây, động cơ tên lửa Triều Tiên dùng nhiên liệu lỏng nên phải mất nhiều giờ liền châm nhiên liệu, cho phép Mỹ có thời gian đánh phủ đầu. Nhưng nay nhiên liệu rắn được gắn sẵn trong thân tên lửa ngay trong nhà máy nên thời gian chuẩn bị rút ngắn từ vài giờ xuống vài phút. “Đây là điều đáng lo ngại. Mỹ có rất ít thời gian để cảnh báo và chuẩn bị đánh chặn tên lửa Triều Tiên”, chuyên gia Philip E. Coyle III, cựu cố vấn Nhà Trắng - giám đốc đơn vị thử nghiệm vũ khí của Lầu Năm Góc, cảnh báo.
|
Ông John Schilling, kỹ sư hàng không Mỹ - chuyên gia về chương trình tên lửa Triều Tiên, kết luận Bình Nhưỡng đủ khả năng triển khai tên lửa động cơ nhiên liệu rắn trong năm nay, sớm hơn nhiều so với dự đoán trước đây của ông là phải thêm 5 năm nữa.
Cộng đồng tình báo Mỹ đã không thể phát hiện Triều Tiên chuyển từ động cơ tên lửa dùng nhiên liệu lỏng sang rắn từ năm 2016, buộc Washington phải chạy đua nâng cấp GMD hiện hữu, tờ The New York Times dẫn lời các quan chức đương nhiệm và về hưu giấu tên tiết lộ. Tuy nhiên, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) khẳng định vẫn đang theo sát hoạt động phát triển tên lửa dùng nhiên liệu rắn của Triều Tiên.
Một cựu quan chức Mỹ theo dõi sát sao thông tin tình báo về Triều Tiên cho rằng không thể kết luận tình báo Mỹ thất bại, nhưng chính phủ đánh giá thấp tốc độ phát triển tên lửa của Triều Tiên.
Vào ngày 28.5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Mỹ không thể đợi Triều Tiên hoàn tất chương trình tên lửa rồi mới phản ứng. Ngay sau đó, Triều Tiên ngày 29.5 phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắm, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Đến nay, phản ứng của Mỹ trước chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên bao gồm các lệnh trừng phạt và chương trình tấn công mạng bí mật do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng cách đây ba năm sau khi kết luận GMD hoạt động không hiệu quả.
Trong chương trình bí mật này, quân đội Mỹ tiến hành các đợt tấn công mạng ngay trước khi tên lửa được đưa đến bệ phóng hoặc ngay lúc tên lửa rời bệ phóng để vô hiệu hóa hoặc làm chệch hướng tên lửa. Tổng thống Donald Trump đã từ chối bình luận về chương trình này nhưng đưa ra các bình luận ngụ ý thừa nhận sự về sự tồn tại của nó.
Theo Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc