Siết chặt trừng phạt Triều Tiên, Trung Quốc dám đi xa đến đâu?

17:26, 26/05/2017
|

(VnMedia) - Giới chức Trung Quốc thông báo với Mỹ rằng, họ đã thắt chặt các biện pháp kiểm tra và giám sát dọc biên giới với Triều Tiên như một phần của việc thực hiện gói biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc đang áp dụng nhằm vào chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đây là thông tin vừa được một quan chức ngoại giao hàng đầu chuyên về khu vực Đông Á của Mỹ tiết lộ ngày hôm nay (26/5).

Khu vực biên giới Triều Tiên nhìn sang phía Trung Quốc
Khu vực biên giới Triều Tiên nhìn sang phía Trung Quốc

Hành động của Bắc Kinh phản ánh nhận thức ngày càng rõ ràng về tính cấp thiết của việc Trung Quốc gia tăng sức ép với Triều Tiên nhằm buộc đồng minh ngừng thách thức trong vấn đề hạt nhân và tên lửa, quyền Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ – bà Susan Thornton hôm nay đã nói như vậy với các phóng viên ở thủ đô Bắc Kinh. Chính quyền của Tổng thống Trump đang tăng cường các nỗ lực nhằm thúc ép Trung Quốc tham gia vào chiến dịch gây áp lực với Triều Tiên sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng trước.

Theo lời bà Thornton, trong vấn đề Triều Tiên, Mỹ đã chứng kiến “sự thay đổi rõ rệt” trong phương pháp tiếp cận của Trung Quốc đối với đồng minh cũng là láng giềng thân thiết – Triều Tiên.

"Họ nói với chúng tôi rằng, họ đã tăng cường siết chặt các biện pháp kiểm tra, giám sát ở khu vực biên giới, củng cố chức năng kiểm soát biên giới và đẩy mạnh hoạt động kiểm tra hải quan", bà Thornton cho biết. Bắc Kinh cũng đã xử lý “một số vấn đề khác liên quan đến các công ty” có giao dịch với Triều Tiên, bà Thornton nói thêm nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Mỹ đã nói chuyện với Bắc Kinh về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty cụ thể và chúng tôi đang chờ xem Trung Quốc sẽ thực hiện biện pháp nào, vị nữ quan chức Mỹ cho hay.

Trung Quốc đã nhất trí với một loạt gói biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc tung ra nhằm vào Triều Tiên sau những vụ thử hạt nhân và tên lửa. Mới đây, Bắc Kinh đã quyết định tạm ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên. Đây được xem là đòn đánh mạnh nhất từ trước đến nay của Trung Quốc nhằm vào đồng minh.

Trung Quốc luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Dù phản đối các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Bắc Kinh lâu nay vẫn cố gắng tránh không làm tổn thương mối quan hệ với Bình Nhưỡng bởi Triều Tiên có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc. Bởi nó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đang ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với vụ thử hạt nhân và tên lửa đầy thách thức mà Triều Tiên liên tiếp thực hiện trong thời gian qua.

Hơn nữa, Mỹ cũng đang gây áp lực với Trung Quốc để nước này dùng ảnh hưởng của mình gây sức ép buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng Tư được cho là đã đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump cho Bắc Kinh thời hạn 100 ngày để thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào đồng minh Triều Tiên trước khi Washington áp đặt bất kỳ đòn trừng phạt nào nhằm vào các công ty của Trung Quốc có liên quan đến Bình Nhưỡng.

Việc siết chặt các biện pháp kiểm tra, giám sát ở biên giới có thể là một bước đi của Trung Quốc nhằm “xoa dịu” Mỹ trong vấn đề Triều Tiên.

Mặc dù ủng hộ Liên Hợp Quốc thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên nhưng Bắc Kinh hôm 24/5 cũng lên tiếng cảnh báo, không ai có quyền gây hỗn loạn trên bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu trên cho thấy, Trung Quốc sẵn sàng hành động để gây sức ép với Triều Tiên nhưng hành động của Trung Quốc được cho là sẽ không đi quá giới hạn và Trung Quốc cũng không cho phép các nước khác đi quá giới hạn, khiến tình hình bán đảo Triều Tiên vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Cụ thể, Trung Quốc có "con át chủ bài" có thể khiến Bình Nhưỡng phải lùi bước. Đó là nguồn dầu mỏ. Cắt đứt nguồn cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên trong một giai đoạn dài sẽ là biện pháp trừng phạt thảm khốc. Tuy nhiên, giới phân tích không nghĩ là Trung Quốc sẽ dùng đến biện pháp này với đồng minh gắn bó cũng là láng giềng sát nách quan trọng của họ.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc