Suy yếu ở Syria, 'vòi bạch tuộc' IS công phá Đông Nam Á?

20:15, 25/05/2017
|

Vụ chiếm đóng Marawi ở Philippines cùng 2 vụ tấn công ở Thái Lan và Indonesia trong vòng 3 ngày đang cho thấy mối nguy hiểm IS đang cận kề cửa ngõ Đông Nam Á.

"Bóng ma IS" đã chuyển hướng?

Các biện pháp tăng cường cho cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan sẽ là chủ đề nổi bật trong hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 diễn ra tại Italy cuối tuần này.

Các thảo luận sẽ tập trung xung quanh các vụ đánh bom kinh hoàng tại một buổi hòa nhạc ở Manchester, nước Anh ngày 22/5, cũng như một loạt các cuộc tấn công ở châu Á trong vài ngày qua.

Không ngạc nhiên khi nhóm khủng bố nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhanh chóng được xác nhận đứng sau cuộc tấn công ở Manchester, nước Anh cũng như truyền cảm hứng cho các cuộc đụng độ sau đó.

Sau khi suy yếu và mất dần lãnh thổ chiếm đóng ở Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria), nhóm này đang ngày càng trở nên tuyệt vọng. Các cuộc tấn công nhắm vào các thành phố phương Tây và châu Á là một trong số ít lựa chọn trả đũa cùng như tìm kiếm lãnh thổ mới của IS.

Trong 3 ngày liên tiếp, 3 vụ khủng bố đã diễn ra ở Đông Nam Á với những nghi ngờ có liên quan đến IS

Trong 3 ngày liên tiếp, 3 vụ khủng bố đã diễn ra ở Đông Nam Á với những nghi ngờ có liên quan đến IS.

Theo Asia Nikkei, sự việc IS chiếm đóng thành phố Marawi của Philippines đã cho thấy, không một khu vực nào miễn trừ sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố. Giới quan sát lo ngại trong tương lai gần, những mầm mống của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ sớm nảy nở trên khắp châu Á.

Thái Lan là nước châu Á đầu tiên hứng chịu một cuộc tấn công khủng bố vào tuần này. Một vụ đánh bom đúng vào ngày kỷ niệm 3 năm cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra ở một bệnh viện ở thủ đô Bangkok khiến 24 người thiệt mạng.

Chưa có nhóm nào tuyên bố nhận trách nhiệm, nhưng các nhà điều tra nghi ngờ chủ mưu đứng sau là các nhóm hoạt động ly khai Hồi giáo.

Cuộc đụng độ ác liệt giữa lực lượng an ninh và Maute - nhóm chiến binh có liên hệ với IS đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, trong đó có 13 phiến quân Maute, 5 binh sĩ và 2 sĩ quan cảnh sát.

Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã tuyên bố thiết quân luật ở đảo Mindanao và cho biết có thể mở rộng ra toàn quốc nếu mối nguy khủng bố trở nên nghiêm trọng hơn.

Một ngày sau cuộc xung đột ở Philippines, hai kẻ đánh bom liều chết đã khiến 3 cảnh sát thiệt mạng trong cuộc tấn công gần một nhà ga ở phía Đông Thủ đô Jakarta, Indonesia, vào tối 24/5.

Phát ngôn viên lực lượng cảnh nước này Setyo Wasisto cho biết, cuộc tấn công có thể được lấy cảm hứng từ Manchester và Marawi.

Ông Wasisto nói: "Chúng tôi đã được báo trước về một cuộc tấn công ngay khi sự cố ở Manchester và Marawi diễn ra, tuy nhiên chúng tôi không thể biết rõ chính xác cuộc tấn công diễn ra ở đâu". Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm cho đến hiện tại, nhưng cảnh sát nước này xác định vụ tấn công nhắm vào các cơ quan an ninh.

Các nhà chức trách và các công ty tổ chức sự kiện đang cân nhắc việc tăng cường an ninh sau vụ đánh bom ở Manchester và mối đe dọa đang gia tăng ở khu vực.

Vụ nổ bom Manchester gây lên mối lo ngại đặc biệt.

Vụ nổ bom Manchester gây lên mối lo ngại đặc biệt.

Một số công ty quản lý sự kiện ở Singapore đang thắt chặt các biện pháp rà soát an ninh cũng như huy động thêm nhân lực bảo vệ cho nữ ca sĩ Ariana Grande - người dự kiến sẽ có buổi biểu diễn trong khuôn khổ cuộc đua Công thức 1 ở Singapore vào tháng 9.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết hôm 24/5 rằng nước này đang kiểm tra lại các công tác an ninh cho các sự kiện lớn như các buổi hòa nhạc, các điểm nóng về du lịch và sân vận động, bất chấp việc quốc gia này được cho là vẫn an toàn.

Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đưa ra lời cảnh báo tới du khách và nhân viên ở nước ngoài phải cẩn thận trước nguy cơ khủng bố gia tăng trong tháng Ramadan của người Hồi giáo.

Mối đe dọa không của riêng ai

Trong vài năm trở lại đây, những nhóm hồi giáo cực đoan như IS thường hô hào các tín đồ tham gia các vụ khủng bố kinh hoàng trong khoảng thời gian này.

Báo cáo từ Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết, thành công về kinh tế ở Đông Nam Á đã làm gia tăng tình trạng tội phạm và khủng bố trong khu vực.

Somchai Seanglai là cố vấn cho Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan đồng ý rằng, hoạt động thương mại gia tăng cũng tỷ lệ thuận với các loại hình buôn người, buôn bán ma túy và hàng giả - cùng với khả năng những kẻ khủng bố có thể di chuyển qua biên giới dễ dàng hơn.

Các quan chức LHQ cho biết, có ít nhất 1.000 phần tử cực đoan ở Đông Nam Á đã tới Trung Đông và nhiều kẻ trong số đó đã mang thứ tư tưởng nguy hiểm quay trở lại, theo VOA.

Đứng trước những nguy cơ hiện hữu nói trên, các nhà lãnh đạo ASEAN đã gặp nhau gần đây tại Manila và nhất trí chung tay ứng phó trước các mối đe dọa xuyên biên giới, bao gồm cả chủ nghĩa khủng bố.

Jeremy Douglas, đại diện khu vực Châu Á Thái Bình Dương của UNODC kêu gọi các nước khu vực phải tạo ra một chiến lược an ninh chung trước các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố vốn đang lan rộng ở nhiều nơi.

Theo Người đưa tin


Ý kiến bạn đọc