Lai lịch khét tiếng nhóm khủng ​bố chiếm TP Philippines

20:24, 24/05/2017
|

Nhóm khủng bố Maute muốn tìm cách thiết lập một nhà nước Hồi giáo độc lập ở đảo Mindanao của Philippines, tương tự tham vọng về một "nhà nước" Hồi giáo của IS.

 
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 23/5 tuyên bố áp dụng thiết quân luật đối với đảo Mindanao sau cuộc đấu súng giữa các lực lượng chính phủ với thành viên nhóm nổi dậy Maute ở TP Marawi.

Thành phố này là thủ phủ tỉnh Lanao del Sur, thuộc đảo Mindanao, cách thủ đô Manila 830 km về phía nam với dân số khoảng 200.000 người.

TP Marawi được cho là hiện đã rơi vào tay nhóm nổi dậy Maute. Ảnh: AL-MASDAR NEWS
TP Marawi được cho là hiện đã rơi vào tay nhóm nổi dậy Maute. Ảnh: AL-MASDAR NEWS

Theo tờ Rappler, nhóm Maute đã tiến hành nhiều vụ đánh bom, bắt cóc và hoạt động thường xuyên trong những tháng gần đây. Nhóm này cũng đã cam kết trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, sử dụng cờ đen cùng biểu tượng tương tự IS.

Cuộc đụng độ mới đây nhất diễn ra khi quân đội Philippines ngày 23/5 tiến hành một cuộc tấn công “thanh lọc” vào ngôi làng Basak Malutlut để tiêu diệt “các mục tiêu giá trị cao” thuộc nhóm Abu Sayyaf và nhóm Maute. Cuộc đụng độ đã nổ ra giữa hai bên, dẫn tới nhiều vụ nổ và tình trạng mất điện xảy ra. Tình hình tiếp tục xấu đi tới tận tối 23/5 và nhóm Maute được cho là hiện chiếm cứ gần như toàn bộ TP Marawi.

Ai đứng sau nhóm Maute?

Maute tự gọi mình là Daulah Islamiyah, tức "Nhà nước Hồi giáo". Nhóm này được lãnh đạo bởi hai anh em nhà Maute là Abdullah Maute và Omar Maute, trong đó Abdullah là anh cả trong số các anh em của gia đình Maute. ABS-CBN News cho biết Omar đã thiệt mạng sau khi trúng bom vào ngày 21/2/2016 và hiện chỉ có Abdullah lãnh đạo nhóm này.

Theo tổ chức Hiệp hội nghiên cứu và phân tích chủ nghĩa khủng bố (TRAC), anh em nhà Maute “đi từ những tên tội phạm nhỏ tầm thường tới các chiến binh đầy bản lĩnh khi họ thành lập nhóm Khalifa Islamiah Mindanao hồi năm 2012”. Khalifa Islamiah Mindanao là nhóm thánh chiến tìm cách thiết lập một nhà nước Hồi giáo độc lập ở đảo Mindanao của Philippines.

Omar Maute (trái) và Abdullah Maute là hai lãnh đạo của nhóm Maute. Ảnh: ABS-CBN NEWS
Omar Maute (trái) và Abdullah Maute là hai lãnh đạo của nhóm Maute. Ảnh: ABS-CBN NEWS

Theo nhiều nguồn tin quân sự, cha của Abdullah, ông Cayamora Maute, từng là một quan chức cấp cao của Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), tổ chức hiện tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ Philippines. MILF cũng muốn thành lập một khu vực tự trị ở Mindanao. Các con trai của ông Cayamora chỉ trích sự lãnh đạo của MILF và sau đó cam kết trung thành với IS.

Nhóm Maute có liên hệ gì với IS?

Vào tháng 10/2016, một nhóm chuyên gia đến từ Jakarta (Indonesia) đã cảnh báo về “các hoạt động cực đoan xuyên biên giới” sau khi tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa bốn nhóm khủng bố tại Philippines (trong đó có nhóm Maute) với các chiến binh ủng hộ IS ở Indonesia và Malaysia.

Đơn cử là trường hợp Omar. Người này đã kết hôn với một công dân Indonesia khi cặp đội gặp nhau trong lúc du học ở Ai Cập. Tờ Rappler nhận định chính mối quan hệ gia đình của Omar, ảnh hưởng của anh tại Indonesia, cùng kiến thức về mạng xã hội đã cung cấp cho anh một mạng lưới quốc tế rộng lơn hơn những gì mà chính phủ Philippines từng nghi ngờ.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện thất thủ và mất nhiều lãnh thổ ở Iraq và Syria. Ảnh: INDEPENDENT
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện thất thủ và mất nhiều lãnh thổ ở Iraq và Syria. Ảnh: INDEPENDENT

Tháng 11/2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã xác nhận mối liên hệ giữa nhóm Maute với IS. Ông Duterte thời điểm đó cho biết cộng đồng tình báo đã khuyên ông rằng IS “có liên hệ sâu sắc với một nhóm ở Philippines được gọi là Maute”.

Tuy nhiên, quân đội Philippines hiện vẫn cho rằng nhóm khủng bố nội địa này vẫn chưa thiết lập được các mối liên lạc trực tiếp với IS và chỉ đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của IS.

Những vụ tấn công do nhóm Maute đứng sau

Maute tích cực hoạt động từ hồi năm ngoái. Các thành viên nhóm này đã tiến hành nhiều vụ tấn công ở tỉnh Lanao del Sur, trong đó có các vụ điển hình như:

Từ tháng 2 tới tháng 3-2016, nhóm Maute đã thành lập ba thành trì ở tỉnh Lanao del Sur và buộc gần 30.000 người rời khỏi những nơi này. Trong suốt thời gian đó, nhóm này cũng đã tấn công một doanh trại và chặt đầu một binh sĩ thuộc quân chính phủ. Quân đội Philippines đã giành lại kiểm soát đối với doanh trại này sau 10 ngày.

Tháng 4-2016, các hình ảnh đăng trên Facebook cho thấy nhóm này chặt đầu hai trong số sáu công nhân cưa bị bắt cóc ở Butig, một đô thị cũng thuộc tỉnh Lanao del Sur. Trong lúc bị hành quyết, hai công nhân này cũng mặc trang phục màu cam tương tự các con tin bị IS xử tử.

Tháng 8-2016, khoảng 50 tay súng vũ trang có mang theo cờ đen tương tự IS đã đột kích nhà tù Lanao del Sur ở TP Marawi để giải cứu 8 thành viên của nhóm Maute. 20 tù nhân khác cũng tẩu thoát sau vụ tấn công.

Nhóm Maute sử dụng cờ đen tương tự IS. Ảnh: PHILNEWS
Nhóm Maute sử dụng cờ đen tương tự IS. Ảnh: PHILNEWS

Tháng 10/2016, ba thành viên của nhóm Maute bị bắt vì tiến hành đánh bom vào một chợ đêm ở TP Davao, quê hương của ông Duterte.

Tháng 11 năm ngoái, một thiết bị nổ tự chế được tìm thấy gần đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Manila. Hai nghi phạm có liên hệ với nhóm Maute sau đó bị bắt.

Sau khi chiếm cứ được gần như toàn bộ TP Marawi, nhóm Maute đã bắt cóc và đe dọa sẽ giết chết các con tin nếu chính phủ Philippines không nhượng bộ. Với các biện pháp của chính phủ và sự đối đầu không khoang nhượng của nhóm Maute, liệu Marawi có trở thành phố đầu tiên ở Đông Nam Á bị IS chiếm giữ hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Theo PLO


Ý kiến bạn đọc