Hai nước nổ súng, sức nóng gia tăng ở châu Á?

06:49, 24/05/2017
|

(VnMedia) - Tiếng súng đã nổ ở hai điểm nóng của Châu Á. Thông tin này khiến nhiều người lo ngại viễn cảnh chiến tranh sầm sập lao đến khu vực vốn đang là động lực tăng trưởng của thế giới nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát xung đột.

Hình ảnh trong một cuộc tập trận của Hàn Quốc
Hình ảnh trong một cuộc tập trận của Hàn Quốc

Hàn Quốc nổ súng, bán đảo Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh

Hàn Quốc hôm qua (23/5) đã bắn đi một loạt phát đạn cảnh cáo sau khi một vật thể không xác định bay về phía họ từ nước láng giềng Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc cho biết. Báo chí địa phương đưa tin, vật thể bay đó có thể là một máy bay quân sự không người lái của Bình Nhưỡng.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng, quân đội Hàn Quốc đã truyền đi thông điệp cảnh báo Triều Tiên về vật thể bay không xác định trước khi bắn đi hàng tràng đạn cảnh cáo. Seoul cho biết thêm, họ cũng đã tăng cường giám sát trên không sau vụ việc. Tuyên bố của Hàn Quốc không cung cấp thêm thông tin chi tiết nào khác.

Hiện chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un chưa đưa ra lời bình luận nào về vụ việc nói trên và cũng không có thông tin nào cho thấy Triều Tiên bắn trả.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, quân đội của nước họ đã bắn đi khoảng 90 phát đạn từ súng máy lên không trung và hướng cả về phía Triều Tiên. Cũng theo Yonhap, Seoul đang tiến hành phân tích xem liệu máy bay quân sự không người lái của Bình Nhưỡng có vượt qua biên giới của Hàn Quốc hay không.

Hai miền liên Triều đang đối đầu với nhau qua khu vực biên giới được quân sự hóa dày đặc, và giữa hai bên thỉnh thoảng lại bùng phát xung đột. Triều Tiên đang tìm cách phát triển các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và đã đòn chào tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bằng hai vụ thử tên lửa liên tiếp bất chấp việc ông Moon muốn thiết lập mối quan hệ hòa dịu với láng giềng.

Vụ nổ súng mới nhất xảy ra ở biên giới giữa hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc, trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đang sôi sùng sục vì những vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp của chính quyền Bình Nhưỡng trong nhiều tháng trở lại đây. Riêng trong năm ngoái, Triều Tiên đã thực hiện hai vụ thử hạt nhân, trong đó có vụ nổ hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, số vụ thử tên lửa của nước này trong năm 2016 lên đến con số hàng chục. Tiếp sang năm nay, từ đầu năm đến giờ, Triều Tiên được cho là đã thực hiện đến 11 vụ phóng tên lửa, trong đó có những vụ thử tên lửa đạn đạo.

Những động thái quân sự đáng lo ngại của Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang đẩy bán đảo Triều Tiên ngày một sát đến bờ vực chiến tranh.

Ấn Độ nổ súng về phía các tiền đồn quân sự của láng giềng

Trong một diễn biến khác, Ấn Độ hôm qua thông báo, họ đã bắn súng cối về phía các tiền đồn quân sự của nước láng giềng Pakistan ở khu vực biên giới tranh chấp thuộc Kashmir.

Binh sĩ Ấn Độ đã bắn về phía doanh trại quân sự ở khu vực thuộc quyền kiểm soát của Pakistan ở Kashmir. Đây là nơi đang được sử dụng để chứa chấp lực lượng chiến binh, một phát ngôn viên quân đội Ấn Độ đã nói như vậy.

"Như một phần của chiến dịch chống khủng bố của chúng tôi, quân đội Ấn Độ đã thực hiện các cuộc nổ súng trừng phạt ở khu vực Đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) - biên giới thực tế giữa Ấn Độ và Pakistan”, Thiếu tướng Ashok Narula cho biết tại cuộc họp báo ở thủ đô New Delhi.

"Hành động gần đây của quân đội chúng tôi ở khu vực Naushera đã gây tổn thất cho các cứ điểm của quân đội Pakistan”, ông Narula cho biết thêm.

Pakistan phủ nhận cáo buộc về việc họ chứa chấp các lực lượng chiến binh.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley tuyên bố, quân đội đang áp dụng các “hành động phủ đầu có tính toán” nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Hai nước láng giềng Ấn Độ và Pakistan vốn có mối quan hệ thù địch với nhau. Hai nước này thường xuyên đọ súng ở khu vực biên giới Kashmir bất chấp việc họ đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn năm 2003.

Tuy nhiên, rất hiếm khi Ấn Độ công khai thông tin chi tiết về cuộc tấn công của họ nhằm vào nước láng giềng. Điều này phơi bày tình trạng leo thang căng thẳng ở khu vực biên giới Ấn Độ-Pakistan.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc