Thông tin tiền hậu bất nhất về hoạt động nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson trong tháng 4 được cho là hành động cố ý của quân đội Mỹ nhằm nhận diện các mục tiêu tiềm tàng ở CHDCND Triều Tiên.
Và thượng tuần tháng 4, giữa lúc tình hình bán đảo Triều Tiên căng như dây đàn, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ bất ngờ ra lệnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson hủy bỏ chuyến ghé thăm Úc theo lịch trình và hướng lên bán đảo Triều Tiên sau khi kết thúc chuyến thăm Singapore. Ngày 11.4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng cho hay USS Carl Vinson “đang trên đường đến đó”. Còn khi được hỏi về việc “dàn trận” trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Fox News phát sóng ngày 12.4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Chúng tôi điều một hạm đội, rất uy lực”. Những phát biểu liên tiếp của giới chức Mỹ khiến truyền thông thế giới yên trí rằng nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đang áp sát Triều Tiên.
Tuy nhiên, một tuần lễ sau đó, truyền thông tin Mỹ cho hay nhóm tác chiến tàu sân bay không hướng lên phía bắc mà thực tế đi xuống phía nam. Trong thời điểm căng thẳng khi Triều Tiên duyệt binh mừng kỷ niệm sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ngày 15.4, tàu sân bay Carl Vinson vẫn còn cách bán đảo Triều Tiên hàng ngàn km.
Câu chuyện về tàu sân bay Carl Vinson trở thành chủ đề đàm tiếu của dư luận lúc bấy giờ. Một số bài báo cho rằng việc này xuất phát từ sự liên lạc không được thông suốt giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, cộng với tình cảnh hỗn loạn của chính quyền Tổng thống Trump. Các phân tích khác nhận định đây là hành động hư trương thanh thế, hoặc chiêu tâm lý chiến để răn đe Triều Tiên không tiến hành hành động khiêu khích.
Liệu còn lý do nào khác đằng sau những chuyển động lạ thường của tàu USS Carl Vinson? Truyền thông Nhật Bản mới đây đã hé lộ sự thật đằng sau sự kiện này.
Ngày 18.5, tờ Nikkei dẫn một số nguồn tin thạo tin về sự kiện tàu Carl Vinson tiết lộ đây là hành động cố ý của quân đội Mỹ nhằm thực hiện chiêu "đả thảo kinh xà". Tờ báo Nhật Bản cho hay quân đội Mỹ tung ra động tác giả một cách nhịp nhàng khiến Triều Tiên có ấn tượng rằng chiến tranh giữa hai nước sắp sửa xảy ra và vì thế Bình Nhưỡng ra lệnh cho quân đội bước vào tình trạng chiến tranh. Trong tình huống này, quân đội Triều Tiên mới có các chuyển động hé lộ cách bài binh bố trận cũng như khởi động các cơ sở ngầm bảo vệ yếu nhân. Các kênh liên lạc vô tuyến dành cho tình trạng chiến tranh cũng được kích hoạt. Lợi dụng thời cơ này, quân đội Mỹ đã quan sát kỹ lưỡng mọi chuyển động của quân đội Triều Tiên để xác định mục tiêu tấn công tiềm tàng trong trường hợp áp dụng biện pháp quân sự.
300 tên lửa Tomahawk chĩa vào Triều Tiên?
Theo Nikkei, thông qua động tác giả của Carl Vinson, Mỹ đã mua được thời gian để chuẩn bị sẵn sàng các mục tiêu chính xác, hoàn tất thế trận bao vây Triều Tiên. Nếu Triều Tiên quyết định tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, Mỹ có khả năng sẽ tiến hành tập kích. Một quan chức an ninh Nhật Bản tiết lộ với tờ Nikkei rằng phía Mỹ nhận định đây là cơ hội cuối cùng để phá hủy chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo đó, Mỹ sẽ phóng tên lửa hành trình vào các địa điểm thử hạt nhân, cơ sở làm giàu uranium, các đường hầm chứa bệ phóng di động. Mỹ dự kiến sẽ phóng khoảng 300 tên lửa hành trình Tomahawk, gấp 5 lần số tên lửa được sử dụng trong đợt tấn công Syria mới đây.
Chủ lực trong cuộc tấn công sẽ là hải quân Mỹ. Trong đó, tàu ngầm hạt nhân Michigan lớp Ohio được điều động đến Hàn Quốc ngày 25.4 có thể phóng 150 tên lửa hành trình. Các nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vison và USS Ronald Reagan (vừa mới được triển khai ngày 16.5 sau khi trải qua đợt bảo dưỡng) sẽ cung cấp số tên lửa còn lại. Ngoài hải quân, Mỹ cũng xem xét triển khai các oanh tạc cơ chiến lược từ Nhật Bản để tiến hành không kích các cơ sở ngầm, tiêu diệt bộ tư lệnh Quân đội Nhân dân Triều Tiên ở phía bắc Bình Nhưỡng.
Một khi chiến tranh nổ ra, quân đội Triều Tiên có thể phóng hàng ngàn tên lửa và đạn pháo vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc để trả đũa. Nhưng tờ Nikkei cho hay liên quân Mỹ-Hàn có thể nhanh chóng định vị các vị trí khai hỏa để tập kích tức thời và phá hủy chúng bằng máy bay cường kích hoặc máy bay không người lái. Các chuyên gia nhận định đợt nã pháo vào Seoul trong trường hợp chiến tranh nổ ra sẽ không kéo dài lâu.
Ngoài ra, tờ Nikkei còn ước lượng thời gian Mỹ sẽ ra tay nếu quyết định sử dụng phương án quân sự một khi sức ép ngoại giao không mang lại kết quả. Theo đó, Triều Tiên sẽ bước vào vụ thu hoạch lúa vào tháng 6 tới và quân đội Triều Tiên phải bận rộn tham gia thu hoạch vì đây là lực lượng lao động không thể thiếu trong mùa này. Nếu để trễ hơn, Triều Tiên có thể lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Do vậy, đây sẽ là thời điểm lý tưởng để Mỹ ra tay nếu quyết định tấn công.
(Theo Thanh niên)
Ý kiến bạn đọc