(VnMedia) - "Chúng ta đang chứng kiến những cơ hội chưa từng có đối với liên kết khu vực. Mục tiêu hoài bão mà các nền kinh tế trong khu vực hướng tới là Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương gắn kết chặt chẽ. Ngày nay, liên kết kinh tế đồng nghĩa với tăng trưởng và thịnh vượng", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu.
Hôm nay (21/5), trong dịp Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại lần thứ 23 (MRT 23) của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã diễn ra Đối thoại về “Xây dựng châu Á - Thái Bình Dương gắn kết và bao trùm”.
Đối thoại là hoạt động đầu tiên có sự tham gia của đại diện các cơ chế liên kết then chốt của châu Á - Thái Bình Dương trong đó các thành viên APEC đều có vai trò dẫn dắt, nhằm thông tin, trao đổi và đánh giá về tình hình liên kết khu vực, thảo luận các biện pháp tăng cường phối hợp giữa các cơ chế cũng như thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng hơn.
Tham dự Đối thoại có các Bộ trưởng, đại diện của các nền kinh tế thành viên APEC cùng nhiều cơ chế hợp tác khác ở khu vực, gồm có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Liên minh Thái Bình Dương (PA), Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC)…
Trong vai trò chủ trì Đối thoại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định "Chúng ta đang chứng kiến những cơ hội chưa từng có đối với liên kết khu vực. Mục tiêu hoài bão mà các nền kinh tế trong khu vực hướng tới là Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương gắn kết chặt chẽ. Ngày nay, liên kết kinh tế đồng nghĩa với tăng trưởng và thịnh vượng."
Các đại biểu đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức Đối thoại nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác, liên kết khu vực, góp phần hình thành một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết chặt chẽ, trong đó mọi người dân và doanh nghiệp đều được tham gia đóng góp và thụ hưởng các lợi ích của tiến trình liên kết kinh tế quốc tế.
Phát biểu tại đối thoại, các đại biểu nhấn mạnh vai trò quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương là nơi khởi xướng các ý tưởng hợp tác, liên kết và là đầu tầu của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi tích cực hơn song còn tiềm ẩn những rủi ro, liên kết kinh tế đã trở thành một động lực cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Các đại biểu cũng nhất trí, sự hình thành ngày càng nhiều các cơ chế hợp tác, liên kết đa tầng nấc như hiện nay thể hiện sinh động tính năng động của khu vực, song đặt ra nhu cầu cấp bách cần có sự phối hợp hiệu quả, đồng bộ hơn giữa các cơ chế để liên kết khu vực mang lại những kết quả thiết thực hơn cho người dân và các doanh nghiệp.
Để châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu về tăng trưởng và liên kết kinh tế khi bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, các đại biểu cho rằng, hơn lúc nào hết, các cơ chế hợp tác, liên kết hiện có và đang hình thành ở khu vực cần bổ trợ lẫn nhau để nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của quản trị khu vực, qua đó tăng cường năng lực của châu Á - Thái Bình Dương ứng phó với những thách thức chung đang nổi lên.
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc