Đội ngũ phóng viên chuyên trách Nhà Trắng phải lo đối phó với những chiêu trò phá rối và sự trỗi dậy của truyền thông cánh hữu.
Giữa bầu không khí kích động
Trạng thái đối nghịch giữa người đứng đầu nước Mỹ với giới truyền thông lên cao kể từ mùa bầu cử Tổng thống 2016. Tới giờ thì nó vẫn chưa được giải quyết, thậm chí nó còn sôi lên sùng sục mỗi khi có sự xuất hiện của các phóng viên chuyên trách tại Nhà Trắng.
Không đâu có thể thấy rõ điều đó như tại phủ Tổng thống Mỹ.
Mọi việc bắt đầu từ phòng làm việc của Sean Spicer, người phát ngôn Nhà Trắng. Một màn hình lớn được treo trước bàn làm việc lớn, liên tục trình chiếu 4 kênh truyền hình lớn nhất của nước Mỹ.
Nhưng tất cả đều được đặt ở chế độ im lặng, ngoại trừ Fox News- kênh tin tức có quan điểm bảo thủ thuộc sở hữu của ông trùm Rupert Murdoch. Các chuyên gia truyền thông gọi Fox News là nơi góp phần kích động tâm trạng của người Mỹ, thứ đã đưa Trump lên đỉnh cao quyền lực hiện tại.
Lý giải với tờ Spiegel về trạng thái này, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer gọi đó là điều bình thường. “Luôn có nhiều căng thẳng giữa Chính phủ với báo chí”- Spicer nói. Ông thừa nhận những tuyên bố thẳng thừng và vỗ mặt của Tổng thống Trump không làm các nhà báo hài lòng.
Nhưng trong một lần khác, đại diện của Nhà Trắng trước báo giới và công chúng lại cho rằng có quá nhiều bài viết sai lệch liên quan tới Tổng thống Mỹ và Chính phủ. “Đó là lý do chúng tôi sẽ đấu tranh với tin tức giả mạo trong tương lai.” Điều này đồng nghĩa, những thông tin chỉ trích nhằm vào Trump trên báo chí cũng có thể là mục tiêu trong tầm ngắm.
Kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống, phòng họp báo của Nhà Trắng trở nên tấp nập hơn bao giờ hết. Số lượng phóng viên có mặt tại đây thường gấp đôi sức chứa. Những diễn biến của cuộc họp, từng bị coi là nhàm chán, được tường thuật trực tiếp trên một số kênh truyền hình.
Mỗi buổi họp báo do Sean Spicer chủ trì trở thành một vở kịch ăn khách với 4 triệu lượt xem mỗi ngày. Người ta không chỉ muốn xem căng thẳng “như sờ nắm” được trong phòng họp báo của Nhà Trắng mỗi ngày. Trận chiến giữa một nhóm truyền thông bảo thủ mới với các phóng viên truyền thống cũng được cho là đáng theo dõi.
Cuộc chiến bắt đầu
Với tính cách của mình, Tổng thống Trump từng công khai công kích báo chí.
Ngay trước lễ nhậm chức, Trump từng có cử chỉ đe dọa nhằm vào Jim Acosta, phóng viên của CNN trong một buổi họp báo. Anh này được yêu cầu “ngậm miệng lại”. Trump cũng từ chối quyền đặt câu hỏi của Acosta với tuyên bố “Các ông đưa tin giả”. Nhiều người còn lo ngại, Acosta có thể còn bị cấm cửa với các hoạt động báo chí ở Nhà Trắng bất cứ khi nào.
Các hạn chế tiếp tục được gia tăng. Như việc Tổng thống Trump và các cộng sự muốn thay đổi truyền thống cho phóng viên tháp tùng trên chiếc Không lực Một trong các chuyến công cán.
Jeff Mason, phóng viên của Reuters và là Chủ tịch Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng đang phải đấu tranh với Nhà Trắng để duy trì một trong những đặc quyền của báo chí. “Chúng tôi không phải là kẻ thù của người dân. Rất khó chấp nhận việc một Tổng thống lại đi nói như vậy”.
Mason cũng đã tìm cách nói chuyện với người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer về trường hợp của Acosta.
Thế nhưng khoảng 3 tuần trước, thay vì mời truyền thông tới dự họp báo như thường lệ, Spicer lại chỉ mở cửa với một nhóm nhỏ phóng viên.
Và đáng chú ý, những hãng truyền thông nổi tiếng vì quan điểm chống chính quyền Trump như CNN, Politico hay New York Times không có mặt. Mason sau đó đã phải lên tiếng gay gắt về chuyện này.
Chiến lược chia rẽ và cản trở
Có một sự thay đổi đáng kể trong đội ngũ báo chí chuyên trách Nhà Trắng kể từ khi Trump nhậm chức. Đó là sự nổi lên của các cơ quan truyền thông có quan điểm bảo thủ, những tờ báo hay hãng tin gần như “chưa ai biết tên” hoặc sẵn sàng hỏi những câu hỏi có vẻ vô hại với chính quyền.
Quy luật mới được thể hiện qua cách Sean Spicer mời phóng viên đặt câu hỏi trong các buổi họp báo.
Theo thông lệ, phóng viên của các hãng tin nhưng AP hay Reuters là những người được đặt câu hỏi đầu tiên. Tiếp đó là tới các kênh truyền hình lớn được có đặc quyền này, bởi họ có lượng khán giả lớn nhất.
Nhưng tình hình giờ đây đã thay đổi. Thư ký báo chí Nhà Trắng giờ đây dành nhiều cảm tình hơn với những kênh truyền thông như Breitbart News, The Washington Times hay One America News Network.
Sự có mặt của những cây viết mới cũng cho phép Nhà Trắng bớt đi áp lực trước những câu hỏi xoáy.
Ví dụ trong buổi họp báo đầu tiên trên cương vị Tổng thống, Trump đã gọi một thanh niên 19 tuổi đứng lên đặt câu hỏi. Chàng trai này mới tự thiết lập một kênh internet riêng của mình mang tên UNF News. Câu hỏi là: “Đệ nhất phu nhân Melania Trump mới thông báo sẽ mở lại Văn phòng Tham quan Nhà Trắng. Và bà cũng làm rất nhiều việc lớn lao cho đất nước. Tổng thống có thể cho biết đệ nhất phu nhân đang làm gì cho đất nước?” Những câu hỏi như vậy đang khiến các phóng viên chính trị gạo cội của Nhà Trắng ra rìa.
Châm chọc báo chí chính thống
Rất nhiều các hãng truyền thông mới có quan điểm cánh hữu đang nhận được hỗ trợ tối đa từ Nhà Trắng. Nổi lên là One America, Newsmax, The Daily Caller hay LifeZette.
Không khó để nhận ra những kênh truyền thông này được sử dụng như một công cụ để áp đảo các tờ báo và kênh truyền hình chính thống, bao vây vòng đặt câu hỏi và làm gián đoạn các quy trình họp báo truyền thống. Tất cả là nhằm hạ bệ uy tín của báo chí chính thống.
Chiến lược này được cho là do Stephen Bannon, giám đốc Chiến lược của Nhà Trắng và là cựu CEO của hãng tin Breibart News, một kênh truyền thông cánh hữu mới, thúc đẩy.
Và chính nhờ sự giúp đỡ của Bannon những phóng viên vô danh mới có mặt trong đội ngũ phóng viên Nhà Trắng.
Trong một buổi họp báo gần đây, phóng viên Jon Decker của kênh phát thanh Fox News Radio đã phải to tiếng phàn nàn về sự xuất hiện của Lucian Wintrich, đại diện của trang blog cực hữu Gateway Pundit tại Nhà Trắng. Trang web này vốn có quan điểm bài người da màu, Do Thái và gốc Latin. Còn Wintrich được coi là một phóng viên giả dạng khi chưa ai biết về kinh nghiệm làm báo của anh chàng 28 tuổi này.
Một phóng viên của tờ The New Yorker từng chứng kiến Wintrich và Jim Hoft- sếp của Gateway Pundit chuẩn bị ra sao cho màn ra mắt đội phóng viên Nhà Trắng. “Hãy chắc chắn rằng có từ ‘tin giả’ trong câu hỏi, Lucian” Hoft nói. “Mọi câu hỏi cậu phát biểu mà có từ ‘tin giả’, cậu sẽ được thưởng 10 dollar”. Những phóng viên gạo cội tại Nhà Trắng đều hiểu đây là cách để châm chọc báo chí chính thống – những người được Trump gọi là ‘tin giả’, khiến họ trở nên rất tệ trước công chúng.
“Chúng ta vẫn chưa nhận thấy hết được liệu những hiệu ứng gặm nhấm này sẽ phá hủy uy tín của báo chí thế nào về lâu dài” cây bút Thomas L. Friedman của tờ The New York Times than thở với Spiegel tại văn phòng cách Nhà Trắng không xa. “Trump đang nỗ lực để khiến các nhà báo phát điên lên để rồi một ngày chúng ta thực sự sẽ bốc hỏa và ông ấy sẽ đi ra và nói với những người ủng hộ rằng: ‘Tôi bảo rồi mà họ bị điên đấy’”.
Nước Mỹ đang thay đổi. Mỗi tuần, Tổng thống Trump lại đẩy dư luận lên một mức độ tranh cãi mới. Thomas Friedman thừa nhận: “Chúng ta (các nhà báo) là những con ếch dối trá và cáu bẳn. Và khi mọi thứ trở nên sôi sùng sục, chúng ta sẽ chết”./.
Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc