(VnMedia) - Bộ trưởng Hàng hải Indonesia hôm qua (25/4) tuyên bố Jakarta phản đối bất kỳ hành động phô trương sức mạnh nào ở Biển Đông đồng thời nhấn mạnh Indonesia không công nhận cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc – một yêu sách mà Bắc Kinh đang dùng để đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Indonesia phản đối những hành động dương oai diễu võ của bất kỳ nước lớn nào ở Biển Đông nhưng cũng muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh, Bộ trưởng Các vấn đề Hàng hải của Indonesia – ông Luhut Binsar Pandjaitan cho biết trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS).
“Chúng tôi không muốn chứng kiến bất kỳ hành động phô trương sức mạnh nào ở đó. Chúng tôi muốn nhìn thấy sự ổn định ở khu vực đó”, ông Pandjaitan – một cựu tướng cấp cao đã nghỉ hưu và từng là Chánh văn phòng nội các của Tổng thống Joko Widodo, hôm qua đã tuyên bố như vậy.
Bộ trưởng Pandjaitan nhấn mạnh đến thực tế, có đến hơn 5 nghìn tỉ USD giá trị giao dịch thương mại đi qua khu vực Biển Đông mỗi năm và Jakarta từ chối không thừa nhận yêu sách chủ quyền đối với hơn 90% Biển Đông của Trung Quốc.
“Chúng tôi không công nhận đường 9 đoạn của Bắc Kinh”, vị quan chức cấp cao của Indonesia cho biết.
Đường 9 đoạn, nhiều lúc được gọi thành “đường 10 đoạn” hay là “đường 11 đoạn”, là yêu sách mà Trung Quốc dựa vào đó để đòi chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên. Nhiều khu vực nằm trong bản đồ đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc cách xa nơi gần nhất thuộc đại lục Trung Quốc đến cả hơn 1.000km và nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng. Chính vì thế, đường 9 đoạn của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế.
Năm 2009, Indonesia từng gửi văn bản thể hiện lập trường chính thức của mình lên Ủy ban Liên Hợp Quốc về việc phân định ranh giới thềm lục địa, nói rằng đường 9 đoạn không có cơ sở theo bất kỳ luật pháp quốc tế nào.
Biển Đông được xem là một trong những những điểm nóng nhất ở Châu Á hiện giờ. Các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở đây mang theo nguy cơ có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát bất kỳ lúc nào, và có thể leo thang thành xung đột.
Mặc dù Jakarta phản đối đường 9 đoạn của Bắc Kinh vì nó chồng lấn lên vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Natuna của nước này, nhưng cường quốc Đông Nam Á không phải là một bên có tranh chấp ở Biển Đông - một cuộc tranh chấp đang gây chia rẽ sâu sắc giữa Trung Quốc với một loạt các quốc gia láng giềng.
Kiệt Linh (theo Sputnik)
Ý kiến bạn đọc