Nga, Trung "song kiếm hợp bích", phương Tây "thua trận"

07:16, 01/03/2017
|

(VnMedia) - Nga và Trung Quốc lại một lần nữa dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để chặn đứng một bản phác thảo nghị quyết do các cường quốc phương Tây trình lên nhằm trừng phạt Syria.

Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về bản phác thảo nghị quyết trừng phạt Syria
Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về bản phác thảo nghị quyết trừng phạt Syria

Nghị quyết phác thảo của Mỹ, Pháp và Anh được đưa ra sau khi một cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc hồi tháng 10 năm ngoái đưa ra kết luận khẳng định Không quân Syria thả bom có chứa chất clo từ trực thăng xuống 3 ngôi làng nằm trong quyền kiểm soát của phe đối lập trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2015.

Theo bản nghị quyết phác thảo, 11 người Syria, chủ yếu là giới chức quân sự, và 10 thực thể liên quan đến việc phát triển vũ khí hóa học sẽ bị đưa vào danh sách trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Họ sẽ phải chịu lệnh cấm đi lại trên toàn cầu cũng như phong tỏa tài sản. Tư lệnh Không quân Syria – Thiếu tướng Jamil Hassan và Chỉ huy chiến dịch của Không quân Syria trong các cuộc tấn công vào 3 ngôi làng nói trên – Thiếu tướng Saji Jamil Darwish nằm trong danh sách các cá nhân bị đề xuất đưa vào danh sách đen.

Bản phác thảo nghị quyết cũng đề nghị cấm bán, cung cấp và chuyển giao trực thăng cũng như các thiết bị có liên quan, gồm các bộ phận thay thế, cho Lực lượng Vũ trang Syria hay chính phủ Syria.

Việc sử dụng chất clo như một vũ khí bị cấm theo Hiệp ước Vũ khí Hóa học – một hiệp ước mà Syria đã ký tham gia vào năm 2013 dưới áp lực của Nga.

Ngày hôm qua (28/2), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành bỏ phiếu để quyết định xem có thông qua bản phác thảo nghị quyết trừng phạt Syria nói trên hay không bất chấp việc trước đó Nga đã công khai tuyên bố sẽ dùng đến quyền phủ quyết để chặn nghị quyết này.

Với việc một lần nữa dùng quyền phủ quyết trong vấn đề Syria, Nga đã 7 lần dùng đến đặc quyền này của mình để cứu đồng minh kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bùng lên năm 2011. Trung Quốc cũng một lần nữa đứng về phía Nga trong lập trường về cuộc khủng hoảng Syria.

Cùng với Nga và Trung Quốc, Bolivia bỏ phiếu chống lại bản phác thảo nghị quyết của phương Tây trong khi Ai Cập, Kazakhstan và Ethiopia để phiếu trắng.

Các nước đứng đằng sau bản phác thảo nghị quyết đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích quyết định dùng quyền phủ quyết của Nga và Trung Quốc.

“Đối với các bạn bè tôi ở Nga, nghị quyết này là rất hợp lý. Hôm nay là một ngày buồn cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi các thành viên lại bắt đầu tìm cớ biện hộ cho hành động giết dân thường của các nước thành viên khác. Thế giới chắc chắn sẽ trở thành một nơi nguy hiểm hơn”, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc – bà Nikki Haley đã phát biểu như vậy sau cuộc bỏ phiếu.

Đại sứ Anh và Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc - ông Matthew Rycroft và ông Francois Delattre đã bày tỏ sự lấy làm tiếc sau khi bản phác thảo nghị quyết không được thông qua. Ông Rycroft tuôn lời chỉ trích nhằm vào Moscow, cáo buộc nước này che giấu cho những tội ác của chính phủ Syria.

Về phần mình, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc – ông Vladimir Safronkov giải thích, các tác giả của bản phác thảo nghị quyết trừng phạt Syria đã cố tình khơi mào một tiến trình đối đầu và vì thế Nga không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải dùng đến quyền phủ quyết bác bỏ nó.

Ông Safronkov cho rằng, nghị quyết của phương Tây đưa ra không dựa vào những bằng chứng rõ ràng, chắc chắn.

Phương Tây nhiều lần cáo buộc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học để chống lại dân thường. Tuy nhiên, Damascus liên tục bác bỏ những cáo buộc trên.

Cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua ở Syria - cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới hiện giờ theo Liên Hợp Quốc, tiếp tục chứng kiến cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Nga và Mỹ. Dù hai nước này đang chung tay nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Syria nhưng mâu thuẫn giữa họ vẫn còn tồn tại, khiến nỗ lực này khó thành công. Mỹ tiếp tục ủng hộ cho phe nổi dậy Syria và muốn lật đổ chính quyền Tổng thống Assad. Về phần mình, Moscow kiên quyết phản đối bất kỳ hành động nào nhằm chống lại đồng minh Bashar al-Assad của họ. Nga được cho là đang hậu thuẫn cho quân đội Syria chống lại các phe nhóm nổi dậy cũng như các lực lượng khủng bố.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc