(VnMedia) - Lầu Năm Góc đã điều động tới chiến trường Iraq và Syria hơn 400 phi công cùng một loạt máy bay ném bom B-52H Stratofortresse để tham gia chiến dịch chiến đấu hàng ngày. Đây là lần đầu tiên Mỹ hành động như vậy trong hơn 12 năm qua.
Máy bay ném bom B-52 |
Những chiếc máy bay ném bom B-52 ở Căn cứ Không quân Minot ở bang Bắc Dakota của Mỹ đã được triển khai cùng với 400 phi công đến Syria và Iraq để tham gia cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) còn được gọi là Daesh, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua (15/3).
"Phi đội Máy bay Ném bom số 23 đã phái một số máy bay ném bom B-52H đi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu hàng ngày. Đây là lần đầu tiên trong vòng hơn 12 năm qua, Mỹ điều động máy bay B-52 đi tham gia vào một chiến dịch chiến đấu”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.
Dù ra đời từ cách đây rất lâu nhưng máy bay ném bom B-52 vẫn có khả năng không kích hiệu quả như máy bay chiến đấu hiện đại. Đến nay, 76 chiếc B-52 vẫn đóng vai trò chủ đạo trong phi đội máy bay ném bom của Không lực Mỹ.
B-52 là loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu. B-52 có khả năng mang lượng vũ khí có trọng tải lên tới 18 - 30 tấn bom. Loại máy bay này được trang bị tên lửa hành trình loại AGM-86B để tiến công từ xa với cự ly 2.500 km. Ngoài ra, B-52 còn có thể mang 12-20 tên lửa hành trình ALCM hoặc 8 tên lửa hành trình ACM (tàng hình), 4 pháo 20 mm hoặc một pháo 20 mm 6 nòng.
Máy bay B-52 được trang bị thiết bị tác chiến điện tử và 12 đến 16 máy gây nhiễu tích cực. B-52 còn được trang bị tên lửa chống radar, 21 bộ thiết bị phóng nhiễu tiêu cực, 12 bộ thiết bị gây nhiễu hồng ngoại, hệ thống quan sát vô tuyến truyền hình, quan sát hồng ngoại, hệ thống dẫn đường từ vệ tinh, hệ thống quan sát quang điện tử, ra đa cảnh giới, máy tính điện tử...
Đặc điểm ưu việt của B-52 là có thể bay liên tục 9 giờ không cần tiếp dầu. Nếu được tiếp dầu, B-52 có thể bay xa hơn, có thể vượt chặng đường 18.000 - 20.000 km. Máy bay ném bom B-52 được mệnh danh là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ gồm tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược.
Mỹ đang dẫn đầu một liên quân gồm 69 quốc gia thực hiện chiến dịch không kích chống IS ở cả Syria và Iraq kể từ mùa hè năm 2014. Tuy nhiên, hành động của liên quân ở Syria không được sự chấp thuận của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad hay Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Mỹ sắp tung thêm 1.000 quân vào Syria
Ngoài thông tin về hoạt động triển khai 400 phi công và máy bay ném bom B-52, Mỹ còn được cho là sắp tung thêm 1.000 quân đến Syria. Một quan chức quốc phòng của Mỹ hôm qua tiết lộ, có thể sẽ có thêm 1.000 binh sĩ Mỹ được triển khai đến phía bắc Syria theo một kế hoạch do Lầu Năm Góc vạch ra.
Kế hoạch mới của Lầu Năm Góc còn cần phải nhận được sự phê chuẩn của Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Nếu được thông qua, đây sẽ là bước leo thang đáng chú ý trong chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria.
Hiện tại, số lượng binh sĩ Mỹ ở Syria được giới hạn ở con số 500 nhưng thực chất, con số này ngày càng không có ý nghĩa khi giới tướng lĩnh Mỹ thường xuyên đưa thêm lực lượng triển khai “tạm thời” đến chiến trường quốc gia Trung Đông. Ví dụ mới nhất là hoạt động triển khai lính thủy đánh bộ của Mỹ đến gần thành phố Raqqa - nơi được xem là thủ phủ của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Số lượng binh sĩ Mỹ thực sự đang có mặt trên chiến trường Syria hiện giờ là vào khoảng từ 800 đến 900. Và nếu kế hoạch mới của Lầu Năm Góc được phê chuẩn, sẽ có thêm 1.000 binh sĩ Mỹ tiến vào chiến trường Syria.
Tuy nhiên, Mỹ khẳng định, lực lượng của họ sẽ không tham gia chiến đấu trực tiếp mà sẽ đóng vai trò hậu thuẫn, hỗ trợ. Dù thế nào đi nữa thì động thái trên cho thấy sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Syria. Cựu Tổng thống Barack Obama trước đây kiên quyết chống lại việc triển khai binh sĩ chiến đấu của Mỹ đến Syria và Iraq để chống IS. Trong khi đó, ông Trump lại thể hiện mong muốn đẩy nhanh chiến dịch đánh bại IS. Ông này đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc vạch ra một loạt kế hoạch để có thể thực hiện được mục tiêu nói trên.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc