Quyền lực của Tổng thống Mỹ mạnh đến đâu?

15:42, 08/02/2017
|

Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống đảm nhiệm hai chức năng, vừa là người đứng đầu Nhà nước (giống như Vua hay Tổng thống của nhiều nước khác – gọi là Nguyên thủ quốc gia) vừa là người đứng đầu ngành hành pháp (giống như Thủ tướng của các nước khác).

Nhà Trắng - nơi làm việc của Tổng thống Mỹ
Nhà Trắng - nơi làm việc của Tổng thống Mỹ

Trong vai trò là người đứng đầu Nhà nước, Tổng thống Mỹ đại diện cho nước Mỹ ở cả trong lẫn ngoài nước. Với tư cách này, Tổng thống phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ lễ tân, như tiếp nhận thư ủy nhiệm của đại sứ các nước khác, chủ trì các bữa tiệc khánh tiết, khai mạc một số hoạt động văn hoá nghệ thuật và thể thao quan trọng.

Trong vai trò là người đứng đầu ngành hành pháp, Tổng thống Mỹ cũng đồng thời là Tổng tư lệnh các lực lượng lục quân, không quân, hải quân và lực lượng dự bị ở một số bang, có quyền điều hành Lực lượng quốc phòng của mỗi tiểu bang.

Về mặt hành pháp, theo Hiến pháp Mỹ, mục I, điều II, quyền hành pháp sẽ được trao cho Tổng thống; Tổng thống là người đứng đầu Chính phủ. Hiến pháp tuy không xác định rõ chức năng hành pháp của Tổng thống bao gồm những gì, nhưng cũng chỉ ra một số nhiệm vụ cụ thể của Tổng thống như: Ký kết các hiệp định; Bổ nhiệm Đại sứ, Bộ trưởng, cố vấn, Thẩm phán Toà án Tối cao và các quan chức cao cấp khác của chính quyền liên bang; Thông báo về tình hình liên bang cho hai viện của Quốc hội và kiến nghị về một số dự luật.

Tổng thống cũng có quyền đề ra các điều lệ, quy định và chỉ thị gọi là Mệnh lệnh hành pháp (Executive order), có hiệu lực giống như luật của các cơ quan Liên bang mà không cần phải thông qua Quốc hội.

Về mặt lập pháp, Tổng thống có quyền phủ quyết bất cứ đạo luật nào từ Quốc hội, trừ khi có hơn 2/3 số nghị sĩ trong mỗi viện bác bỏ phủ quyết.

Bên cạnh quyền phủ quyết, Tổng thống còn có trách nhiệm kiến nghị về một số dự luật để Quốc hội xem xét. Kiến nghị về dự luật của Tổng thống thường được thể hiện trong thông điệp liên bang đầu năm, trong dự thảo ngân sách và trong những kiến nghị cụ thể.

Về mặt tư pháp, Tổng thống có quyền bổ nhiệm các quan toà Liên bang, kể cả các thẩm phán trong các Toà án tối cao, nhưng phải được Thượng nghị viện chấp thuận. Tổng thống có quyền huỷ bỏ bản án hoặc ân xá cho bất cứ ai phạm luật Liên bang.

Tổng thống Mỹ còn được coi là nhà lãnh đạo tượng trưng cho chính đảng của mình. Các chương trình, các sáng kiến mà Tổng thống đưa ra thường phản ánh quan điểm của đảng mà ông là thành viên.

Tổng thống được coi là tiêu điểm của nền chính trị Mỹ. Tổng thống có quyền lực rất lớn trong lĩnh vực đối ngoại và quân sự, nhưng thường không mạnh trong các quyết sách về đối nội, vì còn phải tùy thuộc vào Quốc hội. Tổng thống thường chỉ đạt được những mục tiêu về chính sách đối nội khi ông ta thuyết phục được Quốc hội và các chính đảng rằng lợi ích của họ trong trường hợp này là tương đồng.

Nếu Tổng thống, Phó Tổng thống phạm tội phản quốc, tội nhận hối lộ, hay các tội nghiêm trọng khác, Hạ nghị viện là cơ quan có quyền luận tội Tổng thống và Phó Tổng thống (và cả các viên chức cấp cao khác). Thượng nghị viện là cơ quan có quyền xét xử Tổng thống và Phó Tổng thống.

(theo Tổ Quốc)


Ý kiến bạn đọc