Phó Chủ tịch Samsung Electronics bị bắt

14:51, 17/02/2017
|

Ông Lee Jae Yong, người thừa kế của tập đoàn Samsung, đã bị bắt vào sáng ngày thứ Sáu (17/2) vì vai trò của mình trong bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.

Ông Lee Jae Yong đến Tòa án trung tâm quận Seoul, Hàn Quốc hôm 16/2. Ảnh: Reuters
Ông Lee Jae Yong đến Tòa án trung tâm quận Seoul, Hàn Quốc hôm 16/2. Ảnh: Reuters

Đây thực sự là cú giáng mạnh xuống nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Ông Lee, 48 tuổi, Phó Chủ tịch Samsung Electronics, đang bị giam tại nhà tù Seoul, cũng là nơi ông chờ đợi quyết định của tòa sau phiên điều trần kéo dài cả ngày thứ Năm. Quyết định của thẩm phán được đưa ra vào 5h30 sáng ngày 17/2 (theo giờ địa phương), hơn 10 tiếng sau khi ông Lee rời tòa.

Cổ phiếu Samsung Electronics vào giờ mở cửa giảm 1,2%, trong khi cổ phiếu Samsung C&T Corp giảm 3,2%.

Người phát ngôn tập đoàn cho biết chưa có quyết định về việc bảo lãnh hay kháng cáo.

Tháng trước, tòa án này đã bác yêu cầu bắt giam ông Lee từ công tố viên đặc biệt. Hôm 14/2, văn phòng công tố một lần nữa gửi đơn xin bắt người thừa kế thứ ba của Samsung và một lãnh đạo khác là Chủ tịch Samsung Electronics Park Sang Jin vì hối lộ và các tội danh khác. Dù vậy, ông Park không bị bắt.

Công tố viên cho biết đã thu thập thêm bằng chứng và gán cho ông Lee nhiều tội danh hơn trong yêu cầu bắt giam mới nhất. “Chúng tôi nhận thức được nguyên nhân và sự cần thiết của lệnh bắt”, thẩm phán nói trong phán quyết.

Cả Samsung và ông Lee đều bác bỏ tội trạng. Trong thông báo ngắn gọn sau khi ông Lee bị bắt, Samsung nói sẽ làm hết sức để bảo đảm sự thật được phơi bày trong quá trình tố tụng tương lai.

Dù sự việc này chưa thể làm tổn hại đến hoạt động hàng ngày của các công ty thuộc tập đoàn, vốn đang được điều hành bởi các giám đốc chuyên nghiệp, các chuyên gia cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến các quyết định chiến lược của chaebol lớn nhất Hàn Quốc.

Tái cơ cấu

Samsung là một trong những đầu tàu của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á và đang trải qua quá trình tái cấu trúc để ông Lee có thể nắm quyền điều hành sau khi cha của mình, ông Lee Kun Hee, phải nhập viện vì đau tim năm 2014.

Cựu quan chức Samsung Electronics Kim Yong Serk gần đây phát biểu việc kinh doanh của Samsung không vì thế mà dừng lại vì còn rất nhiều người thông minh đang làm việc. Tuy nhiên, việc ông Lee bị bắt lại tác động đến các quyết định đầu tư dài hạn, ông Kim nhận định.

Samsung còn là nhà sản xuất chip nhớ và tivi màn hình phẳng lớn nhất thế giới.

Công tố viên tập trung điều tra vào quan hệ của Samsung với Tổng thống Park Geun Hye, người đã bị Quốc hội buộc tội và tước bỏ quyền hạn hồi tháng 12/2016 trong khi chờ Tòa án Hiến pháp quyết định có thay đổi việc luận tội hay không.

Họ cáo buộc Samsung hối lộ tổng cộng 43 tỷ won (37,74 triệu USD) cho các tổ chức có liên kết với bà Choi Soon Sil, bạn thân Tổng thống, để được chính phủ ủng hộ thương vụ sáp nhập hai công ty con.

Nếu Tòa án Hiến pháp giữ nguyên luận tội, bà Park sẽ trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị buộc rời khỏi văn phòng khi nhiệm kỳ chưa kết thúc.

Theo Kim Sang Jo, một cổ đông và giáo sư kinh tế Đại học Hansung University, một nhân chứng trong vụ tham nhũng, “đây là sự kiện đau lòng đối với Phó Chủ tịch Lee. Song, nó là cơ hội quan trọng để tập đoàn Samsung đoạn tuyệt với quá khứ”.

(Theo ICTnews)


Ý kiến bạn đọc