Nga bắt đầu "gầm ghè" với chính quyền Donald Trump

18:51, 10/02/2017
|

(VnMedia) - Trái với dự đoán về viễn cảnh cải thiện quan hệ Nga-Mỹ dưới thời ông Donald Trump, hai nước này đã bắt đầu có dấu hiệu đối địch nhau, cụ thể là trong vấn đề Iran.

Tam giác Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến Mỹ thực sự lo ngại
Tam giác Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến Mỹ thực sự lo ngại

Tân Tổng thống Donald Trump miêu tả Iran là “quốc gia khủng bố số 1” và là nước “hoàn toàn không nể nang” gì Mỹ. Lập trường này đối ngược lại hoàn toàn với Nga. Nhà phân tích chính trị Alexander Kazakov cho rằng, chính quyền mới của Mỹ dường như lo ngại với sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ở Trung Đông.

Ông Trump "có thể đang lo ngại nhất về một tam giác mối nổi lên gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Không có gì là ngạc nhiên về điều đó. Tam giác này trên thực tế đang kiểm soát tình hình ở Trung Đông. Mỹ đã hiện diện ở khu vực này rất lâu và không có ý định rút đi. Đó là lý do tại sao tam giác trên là một vấn đề nghiêm trọng đối với Mỹ”, ông Kazakov phân tích.

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Donald Trump đã ám chỉ đến Iran như là “quốc gia khủng bố số 1” và là nước “hoàn toàn không tôn trọng gì” Mỹ. Phát biểu trên đã dẫn đến phản ứng của phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov. Ông Peskov không ngần ngại tuyên bố, Nga có lập trường đối lập với Mỹ về Iran. “Chúng tôi (Nga và Iran) đã hợp tác với nhau trong một loạt vấn đề. Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước. Chúng tôi hy vọng mối quan hệ đó sẽ tiếp tục phát triển”, ông Peskov cho biết đồng thời thêm rằng Nga và Iran đang có mối quan hệ rất tốt đẹp.

Hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh rằng Iran “chưa bao giờ có bất kỳ mối quan hệ nào” với các tổ chức khủng bố. Thay vào đó, Tehran đã có rất nhiều đóng góp cho cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay còn gọi là Daesh ở Syria, ông Lavrov nói thêm.

"Những diễn biến gần đây cho thấy một điều rõ ràng rằng, điện Kremlin đã quyết định ‘nhe nanh’ với chính quyền mới của Mỹ”, một nhà phân tích viết cho tờ Vzglyad đã đưa ra nhận định như vậy.

Phản ứng của Nga là “để thể hiện rõ ràng rằng” điện Kremlin không có ý định ở “thế yếu” khi làm việc với Nhà Trắng.

"Đối ngược với những gì nhiều người nghĩ, điện Kremlin hiểu rất rõ rằng ông Trump không phải là người ‘ủng hộ Nga’. Ông ấy chắc chắn là một tổng thống ‘ủng hộ Mỹ’. Đồng thời tân Tổng thống Mỹ là một người thực dụng. Ông ấy cũng được biết đến là một nhà đàm phán cứng rắn, tài năng và có tính xây dựng. Kết quả là, việc ở thế yếu trong giai đoạn này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đối với Moscow”, nhà phân tích trên giải thích.

Vì thế, Iran có thể trở thành “một điểm đối đầu nghiêm trọng” giữa Nga và Mỹ. Vấn đề này có nguy cơ đe dọa phá hỏng triển vọng cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ.

Quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì một loạt vấn đề như cuộc khủng hoảng ở Syria, cuộc khủng hoảng ở Ukraine, bầu cử Mỹ, tấn công mạng, cắt giảm vũ khí hạt nhân...

Mỹ cùng các nước đồng minh phương Tây đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, gây tổn thất nặng nề cho Nga.

Tuy nhiên, với việc ông Donald Trump lên cầm quyền, nhiều người đã hy vọng vào một mối quan hệ được cải thiện giữa Nga và Mỹ bởi ông Trump được cho là có cái nhìn khá tích cực về Nga cũng như Tổng thống Putin. Chính quyền của ông Trump cũng liên tục phát đi tín hiệu thể hiện mong muốn khôi phục lại quan hệ Nga-Mỹ. Mặc dù vậy, những mâu thuẫn khó gạt bỏ giữa hai nước này như vấn đề Iran có thể sẽ cản trở quá trình cải thiện quan hệ Nga-Mỹ - một trong những mối quan hệ quan trọng hàng đầu thế giới.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc