(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (23/2) tuyên bố ông muốn xây dựng lại kho vũ khí hạt nhân của Mỹ để đảm bảo kho vũ khí này “mạnh nhất thế giới” đồng thời thề rằng năng lực hạt nhân của Mỹ sẽ không tụt sau bất kỳ nước nào khác, kể cả bạn bè và kẻ thù. Tuyên bố đầy bất ngờ này của ông Trump chắc chắn sẽ khiến Moscow không khỏi hoang mang và bất an.
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
"Sẽ là một giấc mơ tuyệt vời nếu không có nước nào sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng nếu chúng ta cần phải có vũ khí hạt nhân thì chúng ta sẽ phải luôn đứng đầu”, ông Trump đã nói như vậy trong bài trả lời phỏng vấn độc quyền dành cho hãng tin Reuters ngày hôm qua.
“Chúng ta sẽ không bao giờ tụt lại sau bất kỳ nước nào, thậm chí kể cả đó là một nước bạn bè. Chúng ta sẽ không bao giờ tụt lại phía sau về sức mạnh hạt nhân”, Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh.
Tổng thống Trump cho hay, Nga đã triển khai một tên lửa hành trình mới, vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí năm 1987. Theo lời ông Trump, ông sẽ nêu ra vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu và khi họ có cuộc gặp. “Đối với tôi, đó là một vấn đề lớn”, ông Trump nói thêm.
Ông chủ Nhà Trắng còn miêu tả hiệp ước START Mới (New START) - Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược là “một thỏa thuận một chiều” và “chỉ là một thỏa thuận tồi tệ khác” mà Mỹ đã ký kết dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Ông Trump khẳng định, chính quyền của ông sẽ bắt đầu ký những thỏa thuận mới tốt hơn.
Không rõ những phát biểu trên của ông Trump có ám chỉ đến việc chính quyền của ông này sẽ hủy bỏ hiệp ước START.
Nga và Mỹ là hai cường quốc mạnh nhất thế giới về vũ khí hạt nhân. Năm 2010, hai nước này đã ký kết Hiệp ước Nga-Mỹ về Các biện pháp cắt giảm và hạn chế Vũ khí tấn công chiến lược, hay còn gọi là START mới. Hiệp ước có hiệu lực từ đầu năm 2011 đã quy định, số đầu đạn hạt nhân được triển khai của hai siêu cường hạt nhân Nga, Mỹ sẽ phải cắt giảm xuống còn 1.550 đơn vị mỗi bên, tương đương với mức giảm khoảng 30%. START mới giới hạn số bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng mang theo vũ khí hạt nhân của Nga, Mỹ xuống còn 800 đơn vị mỗi bên. Trong khi đó, số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm và máy bay ném bom mang theo vũ khí hạt nhân được hạn chế ở con số 700. Điều này có nghĩa là kho vũ khí khổng lồ của Nga và Mỹ sẽ được cắt giảm đáng kể.
Tân Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ, ông “rất tức giận” trước các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và rằng việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc là một trong số các lựa chọn nhằm đối phó với hành vi của Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi sẽ bàn đến nhiều biện pháp hơn nữa. Chúng tôi sẽ xem chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu có tình hình rất nguy hiểm xảy ra thì tôi cho rằng Trung Quốc có thể ngăn chặn một cách rất nhanh chóng”, ông Trump cho biết.
Mỹ hiện đang thực hiện chương trình quy mô kéo dài 30 năm nhằm hiện đại hóa kho vũ khí già cỗi của nước này, trong đó có việc hiện đại hóa các máy bay ném bom và tên lửa đạn đạo. Các nhà chỉ trích cho rằng, với mức chi phí của chương trình nói trên lên tới 1 nghìn tỉ USD , Mỹ sẽ không thể gánh nổi. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã thực hiện chương trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân theo hướng tập trung vào việc chế tạo những vũ khí hạt nhân “chính xác” nhỏ hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump lên tiếng kêu gọi mở rộng và tăng cường sức mạnh cho kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Trump bất ngờ viết trên Twitter rằng: “Mỹ phải mở rộng và tăng cường mạnh mẽ năng lực hạt nhân cho đến thời điểm thế giới trở nên ổn định hơn”. Tuyên bố nói trên của ông Trump về vấn đề vũ khí hạt nhân dường như đi ngược lại với lập trường mà ông này thể hiện trong chiến dịch tranh cử. Ông Trump đã đưa ra chiến lược xây dựng lại quân đội Mỹ trong khi cắt giảm thuế và giảm chi tiêu quân sự. Ông Trump chỉ trích kế hoạch của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama về việc hiện đại hóa “bộ ba hạt nhân” của Mỹ, ước tính lên tới 1 nghìn tỉ USD trong vòng 30 năm tới. “Tôi không muốn có thêm vũ khí hạt nhân nữa. Chúng ta sẽ không đuổi theo các nước khác. Tôi muốn tất cả mọi người dừng lại, chỉ cần từ bỏ nó”, Tổng thống đắc cử Trump đã nói như vậy với phóng viên Anderson Cooper của CNN hồi tháng Ba năm ngoái.
Sự thay đổi lập trường một cách nhanh chóng của ông Trump trước và sau bầu cử thực ra không có gì là lạ. Điều này vẫn thường xuyên xảy ra với các tổng thống trước của Mỹ.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc