(VnMedia) - Cuộc đối đầu công khai mới nhất giữa Trung Quốc và đồng minh thân thiết Triều Tiên đã phơi bày tình thế tiến thoái lưỡng nan mà giới lãnh đạo Bắc Kinh đang bị rơi vào khi cố tìm cách thuyết phục Chủ tịch Kim Jong Un quay trở lại bàn đàm phán.
Sự thách thức của chính quyền Chủ tịch Kim Jong Un đang khiến Trung Quốc thực sự "đau đầu" |
Bình Nhưỡng đã lên án gay gắt quyết định ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên của Bắc Kinh trong một bài xã luận với lời lẽ thù địch khác thường được đăng tải trên báo chí nhà nước của Triều Tiên hồi tuần trước. Triều Tiên đã không ngần ngại chế nhạo Trung Quốc “nhảy theo nhạc của Mỹ” dù tự xưng là “một cường quốc”. Bình Nhưỡng thề sẽ tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân – rõ ràng là nhằm thách thức đồng minh lớn nhất. Đáp lại, Trung Quốc cũng thể hiện sự cứng rắn khi tuyên bố sẽ kiên quyết thực hiện các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng.
“Liệu có bất kỳ ai tin rằng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là dễ giải quyết khi xem xét đến thực trạng chúng tôi đã phải theo đuổi vấn đề này suốt nhiều năm qua?”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang hồi cuối tuần đã đặt ra câu hỏi như vậy với cánh phóng viên. Tuy nhiên, ông này cũng khẳng định, Trung Quốc và Triều Tiên vẫn là “hai nước láng giềng thân thiết”.
Căng thẳng đang leo thang trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng sau khi Trung Quốc tìm cách nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề Triều Tiên với chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính quyền mới của Mỹ đã khiến Bình Nhưỡng tức giận khi tuyên bố sẽ thúc đẩy kế hoạch thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, khả năng của Trung Quốc trong việc đứng ra làm trung gian cho tiến trình đàm phán có nguy cơ phản tác dụng vì một lý do đơn giản. Đó là, ông Kim Jong Un tự tin rằng Bắc Kinh không muốn chính quyền của ông này sụp đổ, tạo ra một nhà nước sụp đổ hay là một viễn cảnh tồi tệ hơn là một sự thống nhất giữa Triều Tiên và Hàn Quốc dưới cái ô của Mỹ ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc.
Thực trạng hiện nay mở ra một cánh cửa cho Triều Tiên tiếp tục tung ra những hành động táo tợn, không dè chừng bất kỳ ai, có thể là một vụ thử hạt nhân mới, ông Zhang Baohui – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương thuộc trường Đại học Lingnan ở Hồng Kông, đã nhận định như vậy.
“Trung Quốc đang rơi vào tình huống không thể thắng. Việc hợp tác với Mỹ chỉ khiến Trung Quốc lún sâu vào bãi lầy mà họ đối mặt khi tạo ra một Triều Tiên ngày càng thách thức, ngày càng khiêu khích”, ông Baohui nói thêm.
Triều Tiên đã đẩy mạnh tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo kể từ năm 2009 sau khi nước này tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên cũng trở nên căng thẳng kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền từ năm 2011 – một năm trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên cầm quyền. Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên chưa từng có cuộc gặp mặt nào. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc là đến Hàn Quốc - đối thủ của Triều Tiên chứ không phải là Triều Tiên. Thực tế này đã phần nào cho thấy rõ mối quan hệ rạn nứt Trung-Triều.
Bình Nhưỡng từ năm ngoái đến năm nay cũng liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Đỉnh điểm là riêng trong năm 2016, nước này đã thực hiện hai vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ phóng tên lửa. Sự thách thức cao độ của Triều Tiên đã khiến ngay cả đồng minh Trung Quốc cũng bất bình và khó chịu.
Quyết định hoãn nhập khẩu than từ Triều Tiên cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc phối hợp với cộng đồng quốc tế để ngăn chặn chương trình và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên bởi hành động này là đòn mạnh nhất từ trước đến nay mà Trung Quốc tung ra nhằm vào nước láng giềng thân thiết.
Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, Trung Quốc vẫn sẽ tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Triều Tiên bởi tầm quan trọng của nước này đối với cường quốc số 1 Châu Á.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc