(VnMedia) - Quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư tiếp tục là trọng tâm, nền tảng và động lực của quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ trong năm 2016. Đây là lĩnh vực phát triển năng động và ấn tượng nhất trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi họp báo chung hôm 23/5 tại Hà Nội. Ảnh: Reuters |
Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2016 đạt nhiều tiến triển mới, thực chất trên tất cả các lĩnh vực song phương, khu vực và thế giới, làm tăng chất chiến lược và góp phần xây dựng lòng tin giữa hai nước.
Hai bên duy trì, tăng cường độ trao đổi đoàn các cấp, nổi bật là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào tháng 5. Trong chuyến thăm đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama đã ra Tuyên bố chung, khẳng định hai bên nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất và hiệu quả, trong đó coi việc xây dựng lòng tin là nhân tố then chốt trong việc xây dựng quan hệ hữu nghị, lành mạnh và lâu dài, dựa trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị và con đường phát triển của nhau. Hai bên nhất trí coi hợp tác phát triển (kinh tế - thương mại và đầu tư, khoa học – công nghệ, biến đổi khí hậu) là trọng tâm quan hệ thời gian tới.
Quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư tiếp tục là trọng tâm, nền tảng và động lực của quan hệ song phương. Đây là lĩnh vực phát triển năng động và ấn tượng nhất trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua.
Từ năm 2005, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các mặt hàng chủ chốt như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản và gần đây nhất các loại nông sản nổi tiếng của Việt Nam như thanh long, quả vải đã được đón nhận tại thị trường Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức 20% trong những năm gần đây, đạt trên 45 tỷ đô la trong năm 2015 và gần 38 tỷ đô la trong 9 tháng đầu năm 2016 (tăng hơn 31% so với cùng kỳ 2015 và ước đạt 53 tỷ USD năm 2016). Việt Nam tiếp tục xuất siêu 23,8 tỷ USD. Tuy nhiên, mặt cọ xát, tranh chấp thương mại giữa hai bên vẫn tồn tại.
Về đầu tư, đến tháng 11/2016, Mỹ xếp thứ 8/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 815 dự án có tổng vốn đăng ký 10,07 tỷ USD, đồng thời xếp thứ 9/68 quốc gia tiếp nhận FDI của Việt Nam với 147 dự án đầu tư có tổng vốn đăng ký 571,38 triệu USD.
Hợp tác an ninh – quốc phòng được duy trì và có một số bước phát triển thực chất trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ 2015. Hai bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp (Bộ trưởng Hải quân Ray Mabus 4/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter 6/2015, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia James Clapper 5/2016...); duy trì các cơ chế đối thoại song phương (Đối thoại chính sách quốc phòng, Tham vấn hải quân...); tiếp xúc tại các diễn đàn khu vực (Shangri-la, Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN – Hoa Kỳ 10/2016).
Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, đánh dấu sự bình thương hóa hoàn toàn quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và mở ra các cơ hội mới cho hợp tác quốc phòng hai nước.
Về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, tính đến tháng 11/2016, có khoảng 21.400 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ 7 trong số các nước cso nhiều du học sinh tại Hoa Kỳ (năm 2015: đứng thứ 8). Hai bên đang tích cực triển khai dự án Đại học Fulbright tại Việt Nam. Cùng với đó, nhiều trường Đại học Hoa Kỳ đang đặt vấn đề hợp tác với Việt Nam và nhiều tổ chức, trường Việt Nam tiếp tục tìm cơ hội hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ. Hai bên cũng bước đầu triển khai Chương trình Hòa bình, cho phép các tình nguyện viên Hoa Kỳ vào dạy tiếng Anh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc