Các ngân hàng chuẩn bị đưa nhân sự rời Anh

13:33, 20/01/2017
|
(VnMedia) - Sau khi Thủ tướng Anh - Theresa May - tuyên bố muốn hoàn toàn tách khỏi Liên minh châu ÂU (EU), các nhà băng đã chuẩn bị đưa hàng nghìn việc làm ra khỏi nước này, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường kinh tế của nước này.
 
Trong bài phát biểu tuần này, bà May cho biết Brexit cũng có nghĩa Anh sẽ chấm dứt tư cách thành viên trong khối thị trường chung của EU. Việc này có thể buộc các ngân hàng và tổ chức tài chính có trụ sở ở Anh phải chuyển nhân sự và công tác điều hành sang châu Âu để việc kinh doanh tại 27 quốc gia còn lại không bị ảnh hưởng.
 
Mujtaba Rahman - Giám đốc quản lý tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group - cảnh báo: "Đây là tin tồi tệ với các tổ chức tài chính vì sẽ gây ra nhiều gián đoạn cho ngành này".
 
Một chủ tịch ngân hàng cho biết bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, khoảng 1.000 người trong số 5.000 nhân viên UBS tại Anh sẽ chuyển sang địa điểm khác ở châu Âu. Ngân hàng lớn nhất Anh - HSBC - cũng cho biết có thể chuyển khoảng 1.000 việc làm sang Paris.
 
CEO HSBC - Stuart Gulliver cho biết lượng nhân viên này tạo ra khoảng 20% doanh thu mảng giao dịch tại Anh. Rahman của Eurasia dự đoán: “Ban đầu, ảnh hưởng có thể nhỏ nhưng dần dần, có thể họ sẽ phải chuyển đi nhiều dịch vụ hơn". Các nhà băng đều đang thực hiện kế hoạch dự phòng, do chiến lược Brexit của bà May có thể khiến họ mất quyền tự do thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh tại EU. 

 

London được coi là trung tâm tài chính của châu Âu
London được coi là trung tâm tài chính của châu Âu

Các hãng bảo hiểm cũng đang gặp khó. Inga Beale - CEO Lloyd's of London - cho biết bà đang phải nhanh chóng thành lập chi nhánh tại EU để bảo vệ 11% doanh thu đến từ thị trường này. "Chúng tôi sẽ mất giấy phép, không còn được cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng thuộc EU nữa", bà giải thích.

London được coi là trung tâm tài chính của châu Âu. Tuy nhiên, tương lai của thành phố này đang bị Brexit đe dọa. Dịch vụ tài chính đóng góp gần 12% GDP cho Anh. Ngành này cũng đang tạo ra 2,2 triệu việc làm tại đây.
 
Một số nhà phân tích gợi ý Anh có thể thay quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính này bằng một thỏa thuận cho phép doanh nghiệp Anh tiếp tục cung cấp dịch vụ quốc tế. Dù vậy, thỏa thuận này sẽ đòi hỏi hợp tác quản lý chặt chẽ hơn và cũng chỉ có thể bao phủ một phần ngành này.   
 
Một vấn đề khác là phần lớn giao dịch bằng đồng euro trên toàn cầu diễn ra ở London. Thành phố này thực hiện các giao dịch hàng nghìn tỷ euro với cả tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu và các hợp đồng tài chính khác. Một phần hoạt động này gần như chắc chắn sẽ phải chuyển sang EU.
 
Việc này có thể ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế. Jon Danielsson - Giáo sư tài chính tại Trường Kinh tế London cho biết doanh thu thuế và nhu cầu các dịch vụ này sẽ giảm mạnh nếu Anh mất toàn quyền tiếp cận các thị trường tài chính châu Âu. "Nó sẽ kéo tụt đáng kể tăng trưởng kinh tế", ông cảnh báo.
 

Ý kiến bạn đọc