Thêm đối thủ đáng gờm thách thức Trung Quốc ở Biển Đông

07:57, 03/12/2016
|

(VnMedia) - Chiến đấu cơ thiện chiến của Anh sẽ bay đến Biển Đông và tàu sân bay của nước này cũng sẽ tiến vào hoạt động ở Biển Đông khi được đưa vào hoạt động năm 2020 trong bối cảnh đang có sự lo ngại về sự tự do hàng hải trong khu vực, Đại sứ Anh tại Mỹ - ông Kim Darroch hôm 2/12 cho biết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đại sứ Darroch cho một tổ chức tư vấn ở Washington biết, chiến đấu cơ Typhoon của Anh hiện đang có mặt ở Nhật Bản và sẽ bay qua các khu vực tranh chấp ở Biển Đông để khẳng định quyền tự do bay qua không phận quốc tế trong khu vực. Tuy nhiên, ông Darroch không cho biết thời gian cụ thể diễn ra hành động này.

Phát biểu tại sự kiện có sự tham dự của cả Đại sứ Nhật Bản tại Washington, ông Darroch cho hay, hầu hết năng lực quốc phòng trong tương lai của Anh sẽ được hướng tới Trung Đông nhưng nói thêm rằng: “Chắc chắn, khi chúng tôi đưa hai chiếc tàu sân bay mới vào hoạt động trong năm 2020 và khi chúng tôi củng cố sức mạnh quốc phòng, những năng lực mới của chúng tôi sẽ xuất hiện ở Thái Bình Dương”.

"Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ mục tiêu của chính quyền Mỹ hiện nay và chính quyền tiếp theo trong việc bảo vệ sự tự do hàng hải và giữ cho các tuyến đường biển, đường không luôn được rộng mở”, ông Darroch nhấn mạnh.

Bất chấp việc Anh bận rộn ở Trung Đông, “chúng tôi sẽ có gắng đóng vai trò của mình” ở Thái Bình Dương, Đại sứ Darroch nói thêm.

4 chiến đấu cơ của Anh đã đến Nhật Bản hồi tháng 10 để tham gia một cuộc tập trận chung với lực lượng Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực leo thang vì những cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Phản ứng của Trung Quốc

Việc Anh đưa tàu chiến và sau này thậm chí là cả tàu sân bay vào Biển Đông chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc “đứng ngồi không yên” vì lo ngại.

Ở thủ đô Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang phát biểu, tất cả các nước đều có quyền tự do hàng hải và tự do bay qua bầu trời ở khu vực Biển Đông theo luật quốc tế và không có sự tranh chấp liên quan đến vấn đề này.

"Chúng tôi hy vọng các bên liên quan hãy tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực trong việc bảo vệ hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông”, ông Geng cho biết tại cuộc họp báo.

Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc – Tân Hoa xã lại có những phát biểu cứng rắn hơn, nói rằng quan hệ giữa Anh và Trung Quốc có thể bị tổn thương.

"Những phát biểu như vậy tạo ra ấn tượng rằng London sẽ sớm từ bỏ lập trường đứng xa trong vấn đề Biển Đông và bất đầu đóng vai trò can thiệp giống như Mỹ và Nhật Bản", tờ Tân Hoa xã nhận định.

"Nếu một chiến đấu cơ của Anh tham gia vào cái gọi là sứ mệnh ‘tự do hàng hải’ ở Biển Đông thì điều đó sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ Anh-Trung Quốc”.

Đại sứ Nhật Bản Kenichiro Sasae cho biết, Mỹ, Nhật Bản và Anh đã bàn bạc về sự hợp tác hải quân lớn hơn giữa các nước tại một cuộc họp ở Lầu Năm Góc hồi tháng 10 và Tokyo đã hoan nghênh sự can dự sâu hơn của Anh vào an ninh Châu Á.

Cũng theo Đại sứ Darroch, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống đắc cử Donald Trump đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tất cả các thành viên NATO thực hiện cam kết về chi tiêu quốc phòng trong cuộc điện đàm vừa diễn ra trong tuần.

Ông Darroch cho hay, tất cả các nước NATO đã cam kết dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Tuy vậy, đến nay, mới chỉ có 5 nước, trong đó có Mỹ và Anh, thực hiện đúng cam kết này.

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, đối phó và đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc