Với những lời hứa sẽ lật ngược tất cả những gì ông Obama đã làm của Trump, viễn cảnh sắp tới cứ như thể ông Obama chưa từng bước chân vào Nhà Trắng. Điều kỳ lạ là chính những người bỏ phiếu cho ông Trump lại đang bắt đầu nhung nhớ ông Obama.
Nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama kết thúc cùng sự “lên ngôi” của tổng thống đắc cử Donald Trump chính là dấu chấm hết cho quan niệm lý lẽ chi phối hành động của con người của những nhà kỹ trị tự do.
Ảnh minh họa. |
Lịch sử bước sang trang mới có lẽ là một điều vô cùng hấp dẫn. Nhiều thế hệ sau này có lẽ sẽ nhìn nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2008 của tổng thống Barack Obama là một sự chệch hướng khỏi con đường chung của những người Mỹ giận dữ.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Obama đã kêu gọi một cuộc đối thoại mở với người Hồi Giáo. Trong khi đó, tổng thống đắc cử Donald Trump lại tuyên bố chống người Hồi Giáo. Ông Obama tin rằng mọi vấn đề đều có thể dùng lý lẽ để giải quyết; tuy nhiên, ông Trump lại có suy nghĩ hoàn toàn trái ngược.
Người Mỹ chưa thể biết ông Trump sẽ quyết định dùng hình thức chính quyền nào để quản lý đất nước, nhưng chắc chắn mọi di sản của ông Obama sẽ bị thanh lọc dưới nhiệm kỳ của ông Trump, và nhiều di sản trong số đó có thể sẽ bị xoá bỏ hoàn toàn dưới ngòi bút của tân tổng thống.
Cuộc thanh lọc này có thể sẽ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực luật dân sự hay các hiệp định quốc tế. Ông Trump sẽ xoá bỏ hoặc thay đổi hoàn toàn chương trình Obamacare. Ông cũng sẽ “suy nghĩ thoáng” về vấn đề để Mỹ rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và có thể sẽ phá huỷ hiệp định hạt nhân giữa Mỹ và Iran.
Những hành động này sẽ đảo ngược hầu như tất cả những thành tựu lớn của tổng thống Obama. Ngoài ra, những thành tựu khác như lệnh cấm khoan dầu tại Bắc Cực, lệnh cấm sử dụng kỹ thuật thẩm vấn tăng cường và ý định đóng cửa nhà tù Guantanamo còn dang dở có lẽ cũng sẽ bị bãi bỏ. Viễn cảnh khi đó cứ như thể ông Obama chưa từng bước chân vào Nhà Trắng.
Điều kỳ lạ là chính những người bỏ phiếu cho ông Trump lại đang bắt đầu nhung nhớ ông Obama. Điều này thường xảy ra khi nhiệm kỳ của các tổng thống sắp kết thúc. Nhưng trường hợp của ông Obama lại có phần mạnh mẽ hơn nhiều. Với 55% tỷ lệ ủng hộ, ông Obama hiện đang ngang hàng với cựu tổng thống Ronald Reagan, dẫn trước cựu tổng thống Bill Clinton và cao hơn 20% so với cựu tổng thống George W. Bush.
Ông Trump càng “bộc bạch” nhiều điều trên Twitter của mình, thì người Mỹ càng thêm trân trọng thái độ bình tĩnh cân nhắc ưu và khuyết điểm trước mỗi vấn đề của ông Obama. Thậm chí, trước chiến thắng của ông Trump, trong cuộc phỏng vấn cùng The New Yorker, ông Obama còn giải thích vì sao người Mỹ nên cho ông Trump một cơ hội: “Tôi cho rằng không có điều gì là tận thế cho đến khi tận thế thực sự xảy ra”.
Ông Obama đắc cử vào thời điểm trật tự toàn cầu do Mỹ dẫn đầu đang ở thế cân bằng. Cuộc chiến tranh thiếu chuẩn bị của cựu tổng thống Bush tại Iraq và Afghanistan đã phá huỷ vị thế của nước Mỹ tại Trung Đông và nhiều nơi khác. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã đánh mất uy tín “Đồng thuận Washington” của nước Mỹ về học thuyết thị trường tự do. Quyền lực của nước Mỹ đã bắt đầu đi xuống, nhưng rõ ràng vẫn chưa quá muộn để khắc phục tình hình.
Ông Obama tiếp quản Nhà Trắng tại thời điểm xảy ra một bước ngoặt địa chính trị. Và khi ông chuẩn bị rời ghế tổng thống, không còn mấy ai tranh chấp về sự thật rằng nước Mỹ đang đi xuống. Rõ ràng, với những kỳ vọng cao của mình, ông Obama đã không thể ngăn cản quá trình đi xuống của nước Mỹ. Tuy nhiên, liệu ông Trump có thể thay đổi điều này?
Một trong những tính cách cốt lõi của ông Obama chính là niềm tin rằng lý lẽ có thể chi phối hành động của con người. Đây chính là thất bại lưu niên của những nhà kỹ trị tự do. Khi có người không thể nhận ra lợi ích từ một vấn đề, dù là các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hoà hay các nhà lãnh đạo quốc tế, ông Obama chỉ đáp trả bằng sự im lặng.
Có lẽ, với ông Obama, thế giới là một sự thất vọng. Khi tổng thống Nga Vladimir Putin sát nhập Crimea vào năm 2014, ngoại trưởng John Kerry từng phát biểu: “Ở thế kỷ 21, bạn không thể xâm lược một quốc gia khác với một cái cớ bịa đặt như ở thế kỷ 19”. Tuy nhiên, đây lại là cách thế giới vận hành. Và cũng trong thế kỷ 21, nước Mỹ đã làm điều tương tự với Iraq.
Nước Mỹ thường chọn tổng thống có tính cách trái ngược hoàn toàn với những người tiền nhiệm. Ông Obama, một người ưa dùng lý lẽ, là người kế nhiệm ông Bush, một người quyết đoán. Còn ông Trump chỉ đơn giản là một người trái ngược hoàn toàn với Obama. Tương tự như khi tiến hành các thương vụ kinh doanh, ông Trump có lẽ sẽ nịnh nọt, bắt nạt, khoe khoang và thậm chí là hối lộ để đạt được thỏa thuận.
Và khi ông Trump thất bại, một điều không thể tránh khỏi, ông sẽ tuyên bố mình đã thành công và chuyển hướng sự chú ý của công chúng nhờ Twitter. Khi có người tiết lộ sự thật về mình, ông Trump sẽ gọi họ là những kẻ dối trá. Khi người ta tán dương ông, ông sẽ gọi họ là thiên tài. Khi khủng hoảng xảy ra, ông Trump sẽ lựa chọn đánh cược. Đây là lý do vì sao tỷ lệ ủng hộ ông Obama ở thời điểm sắp hết nhiệm kỳ lại cao tới vậy.
Sẽ thật khó để khuếch trương tầm quan trọng mang tính thời đại của nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Trump. Trật tự quốc tế do nước Mỹ dẫn đầu trong suốt 70 năm qua đang lung lay. Một nước Nga hăng hái dưới sự dẫn dắt của tổng thống Putin và một Trung Quốc ngày càng tự tin do chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo sẽ đối phó với một nước Mỹ đầy thương tích.
Trong khi đó, ông Obama sẽ chỉ còn tồn tại trong hồi ký của chính mình. Đó là một nhà lãnh đạo thông tuệ và tử tế, một người luôn nỗ lực giải thích về các cuộc hợp tác quốc tế với một thế giới không sẵn sàng lắng nghe. Ông Obama đến cùng hi vọng và rời đi cùng lời khuyên đừng sợ hãi. Tuy nhiên, có vẻ như lời khuyên ấy sẽ bị lãng quên.
Theo Trí thức trẻ
Ý kiến bạn đọc