EU đối mặt với hiểm nguy khôn lường!

08:54, 04/12/2016
|

(VnMedia) - Hôm nay (4/12), tại Italia sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý quan trọng về sửa đổi hiến pháp. Cuộc trưng cầu dân ý này không chỉ tác động sâu rộng đến đất nước Italia mà còn có thể là một đòn giáng mạnh vào Liên minh Châu Âu (EU) – một liên minh từng được đánh giá là thành công nhất, bền chặt nhất.

Thủ tướng Italia đang chơi một canh bạc chính trị đầy mạo hiểm
Thủ tướng Italia đang chơi một canh bạc chính trị đầy mạo hiểm

Tác động đến Italia

Để hiểu rõ về nguyên nhân tại sao lại có cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm nay, chúng ta cần phải biết về cách thức hoạt động của nền chính trị Italia hiện nay.

Italia duy trì một hệ thống chính trị mà ở đó Thượng viện và Hạ viện có quyền lực ngang nhau. Yếu tố này chính là nguyên nhân lớn nhất gây ra sự bế tắc trong nền chính trị Italia suốt nhiều thập kỷ qua. Với quyền lực ngang nhau, Thượng viện và Hạ viện Italia không thể tránh khỏi việc thường xuyên rơi vào những cuộc đấu đá, tranh giành ảnh hưởng và quyền lực, từ đó dẫn đến một hệ thống lập pháp trì trệ, kém hiệu quả nếu không nói là gần như vô hiệu. Điều này có thể được chứng minh qua thực tế là trong 70 năm qua, không có chính phủ nào của Italia có thể cầm quyền đủ một nhiệm kỳ để có thể theo đuổi một đường hướng phát triển ổn định, lâu dài. Trong 7 thập kỷ, Italia đã có đến 63 lần thay đổi chính phủ.

Thủ tướng Renzi hiểu rất rõ rằng, nếu không thay đổi chế độ hoạt động của hệ thống nghị viện nói trên thì khó có chính phủ nào có thể lãnh đạo đất nước Italia một cách thành công. Chính vì vậy, ông Renzi đã quyết “đánh một canh bạc chính trị” đầy mạo hiểm mà kết quả của nó là “được ăn cả, ngã về không”.

Nhà lãnh đạo Italia đã đề xuất sửa đổi hiến pháp theo hướng tăng quyền lực của Hạ viện và giảm đáng kể quyền lực của Thượng viện. Hạ viện Italia sẽ đảm trách việc thông qua các dự luật và tiến hành các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Trong khi đó, Thượng viện không chỉ bị hạn chế về quyền lực và còn hạn chế về số lượng với số thành viên giảm từ 315 thượng nghị sỹ xuống còn 100 nghị sỹ. Đề xuất của ông Renzi đã được Quốc hội thông qua và cuộc trưng cầu dân ý ở Italia sẽ diễn ra vào ngày hôm nay.

Ông Renzi từng miêu tả cuộc cải cách hiến pháp lần này là “mẹ của mọi cuộc cải cách” bởi nếu thành công, nó sẽ mở ra cơ hội để Italia có thể tiến hành những cải tổ cần thiết, thoát ra khỏi sự trì trệ, bế tắc hiện nay và vạch ra được một đường hướng phát triển lâu dài, ổn định.

Tuy nhiên, nói đây là canh bạc chính trị mạo hiểm của ông Renzi là bởi vì cuộc trưng cầu dân ý này có thể sẽ khiến Nhà lãnh đạo Italia mất tất cả. Ông Renzi đã phải “đánh cược” cả sự nghiệp chính trị của mình vào một “ván cờ” được dự đoán là phần thua nhiều hơn phần thắng. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy tỉ lệ người dân phản đối cải cách hiến pháp cao hơn là tỉ lệ ủng hộ người dân ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng lớn cử tri đang do dự và phe của ông Renzi đang nỗ lực vận động cho đến những giây phút cuối cùng nhằm đảo ngược tình thế.

Nếu cuộc trưng cầu dân ý sắp tới nói “không” với cải cách hiến pháp thì tác động đầu tiên của nó đến nền chính trị Italia sẽ là sự sụp đổ của chính quyền Thủ tướng Renzi. Ông này đã tuyên bố sẽ từ chức nếu cuộc trưng cầu dân ý thất bại. Sau sự ra đi của ông Renzi, chính trường Italia không tránh khỏi những rối ren và nhiều khả năng một chính phủ dân túy sẽ lên cầm quyền với nhiều sự thay đổi gây lo ngại. Quan trọng hơn, thế bế tắc trên chính trường Italia sẽ tiếp tục tồn tại và đây sẽ là chướng ngại vật lớn nhất cản trở con đường phát triển của quốc gia này.

Tương lai bất định của EU

Cuộc trưng cầu dân ý ở Italia không chỉ ảnh hưởng đến đất nước Italia mà còn có thể gây tác động đáng sợ đối với Liên minh Châu Âu (EU). Cuộc trưng cầu này được so sánh như là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Renzi cũng như đối với EU.

Nếu cuộc trưng cầu dân ý thất bại thì nó sẽ gây ra một hiệu ứng domino chính trị mà kết thúc có thể là việc Italia ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro hay thậm chí ra khỏi EU – một liên minh mà Italia là một thành viên sáng lập.

Nói rõ hơn là, nếu người dân Italia nói không với sửa đổi hiến pháp thì sự ra đi của ông Renzi sẽ mở đường cho Đảng Phong trào Năm sao (M5S) theo đường lối dân túy lên cầm quyền. Đảng này từ lâu đã liên tục lên tiếng đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa Italia rời khỏi khu vực đồng euro.

Một cuộc trưng cầu dân ý như vậy có thể là khởi đầu cho một sự tan rã của EU. Đây thực sự là viễn cảnh đáng sợ với EU trong bối cảnh liên minh này vừa phải hứng chịu cơn địa chấn từ vụ Brexit và cả tác động tiêu cực không nhỏ từ sự kiện ông Donald Trump đắc cử chức tổng thống Mỹ.

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc