(VnMedia) - Sau khi Mỹ đưa hai máy bay ném bom chiến lược thiện chiến B-1B đến Hàn Quốc để răn đe Triều Tiên thì Bình Nhưỡng đã ra một tuyên bố thể hiện sự coi thường sức mạnh của vũ khí này, nói rằng “chúng chỉ sủa mà không cắn”.
Ảnh minh họa |
Sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân mới nhất hôm 9/9, Mỹ đã ra lệnh cho hai chiếc máy bay ném bom hạt nhân B-1B Lancer cất cánh từ Căn cứ Không quân Osan bay đến gần sát Triều Tiên trong một động thái nhằm phô trương sức mạnh thể hiện sự đoàn kết với Hàn Quốc cũng như phát đi thông điệp sắc lạnh cho Triều Tiên.
"Màn phô diễn ngày hôm nay là một ví dụ thêm nữa về năng lực quân sự toàn diện của chúng tôi với nguồn lực lớn của một liên minh mạnh có thể giúp cung cấp và củng cố khả năng răn đe mở rộng”, Tướng Vincent K. Brooks - Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, cho biết trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, nếu như chuyến bay trên là để phát đi thông điệp răn đe cho Triều Tiên thì nước này lại tỏ ra không mấy “ấn tượng”. “Họ đang khoe khoang rằng chỉ riêng những chiếc B-1B cũng đủ để chiến đấu trong một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Đế quốc Mỹ tiếp tục để những chiếc máy bay ném bom chiến lược bay trên bầu trời Hàn Quốc trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm cơ hội phát động một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu”, tuyên bố từ hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên – KNCA đã viết như vậy.
Tuyên bố trên nói thêm rằng, Triều Tiên sẽ có những bước đi mạnh mẽ để chống lại Mỹ nếu thấy cần thiết. “Họ tốt hơn hết là nên ngừng ngay những hành động bất cẩn như vậy”, KCNA cảnh báo.
Dù đang đối mặt với những biện pháp trừng phạt hà khắc của Liên hợp quốc, Triều Tiên hôm 9/9 vẫn tiếp tục thực hiện vụ thử hạt nhân thứ năm. Một nguồn tin trong cơ quan an ninh Nga cho rằng, sức nổ của vụ thử lên tới 30 kiloton, gấp hai lần sức mạnh của quả bom mà Mỹ từng thả xuống Hiroshima. Trước đó, các nguồn tin cho rằng, sức nổ của vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên là 10 kiloton – mạnh nhất từ trước đến nay.
Hành động của Triều Tiên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nga và Trung Quốc.
Kiệt Linh (theo Sputnik)
Ý kiến bạn đọc