(VnMedia) - Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông tiếp tục leo thang, Mỹ bất ngờ khiến Australia lo sợ khi bắt đồng minh phải lựa chọn giữa một bên là Washington và bên kia là Bắc Kinh.
Mỹ ngày càng cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông |
Cụ thể, một quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ - Đại tá Tom Hanson hôm qua (1/9) đã ra tối hậu thư, trong đó yêu cầu Australia phải lựa chọn hoặc là thiết lập một liên minh mạnh mẽ hơn với Mỹ hoặc là tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Ông Hanson cũng kêu gọi Canberra thể hiện một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
"Tôi cho rằng, Australia cần phải có sự lựa chọn rõ ràng... Sẽ rất là khó khăn khi phải duy trì sự cân bằng giữa một bên là liên minh với Mỹ và bên kia là mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Australia cần phải xác định rõ đâu là lợi ích quốc gia có tính sống còn hơn với họ”, Đại tá Hanson tuyên bố.
Vị quan chức Mỹ đưa ra tối hậu thư nói trên sau khi Quốc hội Australia vừa tung ra một cuốn sách nhỏ trong đó cảnh báo các nghị sĩ nước này phải xem xét các động cơ của Trung Quốc trong khu vực một cách thận trọng.
Australia là một đồng minh thân thiết của Mỹ trong khu vực và nước này trong thời gian qua cũng đã thường xuyên sát cánh với đồng minh trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Australia đã phải đối mặt với những lời đe dọa, cảnh báo đầy sắc lạnh từ Trung Quốc khi phối hợp cùng Mỹ tiến hành các chuyến bay do thám trên không phận của những quần đảo tranh chấp ở Biển Đông và ủng hộ chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ trong khu vực.
Tuy nhiên, Australia có mối quan hệ hợp tác kinh tế lớn với Trung Quốc và đây là lý do phần nào cản trở việc Australia có hành động quyết liệt hơn với Trung Quốc. Thực tế này khiến Mỹ cảm thấy bất bình, khó chịu.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, đối phó và đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc