Mỹ nhận tối hậu thư sắc lạnh từ đồng minh

10:46, 15/08/2016
|

(VnMedia) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lạnh lùng ra tối hậu thư đối với Mỹ, theo đó siêu cường số 1 thế giới phải lựa chọn hoặc là Ankara hoặc là giáo sĩ Fethullah Gulen - người đang sống lưu vong ở Mỹ và bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính ngày 15/7.

Tổng thống Erdogan
Tổng thống Erdogan

“Sớm hay muộn, Mỹ sẽ phải lựa chọn: Hoặc là nhóm khủng bố âm mưu đảo chính FETO (Tổ chức Khủng bố Gulen - cụm từ được sử dụng bởi những người không theo phe của giáo sĩ Gulen) hoặc là đất nước Thổ Nhĩ Kỳ dân chủ. Mỹ sẽ phải lựa chọn”, Tổng thống Erdogan tuyên bố như vậy trong một bài phát biểu ở thủ đô Ankara hồi giữa tuần trước.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng không quên cảnh báo, “những ai theo chân giáo sĩ đang sống ở Pennsylvania - một người đã bán linh hồn cho quỷ dữ, hoặc theo chân Daesh (từ dùng chỉ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng - IS), hay theo đuôi PKK, thì cuối cùng đều sẽ phải hứng chịu sự thất bại”.

Tối hậu thư sắc lạnh trên được ông Erdogan đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ liên tục kêu gọi Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen. Vị giáo sĩ 74 tuổi này là một chính khách nổi tiếng và từng là lãnh tụ Hồi giáo trước khi thành lập phong trào riêng của ông này. Ông Gulen từng là đồng minh then chốt của Tổng thống Erdogan khi ông này lên cầm quyền nhưng hai bên đã mâu thuẫn với nhau và trở thành “kẻ thù không đội trời chung” của nhau.

Sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự đầy bất ngờ hôm 15/7, Ankara nhanh chóng đổ lỗi cho giáo sĩ Gulen đã thực hiện âm mưu này nhằm tìm cách lật đổ chính quyền của Tổng thống Erdogan. Ông Gulen bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời tố ngược lại rằng chính ông Erdogan đã tự gây ra cuộc đảo chính nhằm làm lợi cho mình. Sau cuộc đảo chính, Ankara thực hiện một cuộc thanh trừng quy mô lớn chưa từng có đồng thời theo đuổi quyết liệt việc dẫn độ ông Gulen về nước để trị tội.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị một yêu cầu chính thức đòi Mỹ bắt giữ tạm thời giáo sĩ Gulen vì cáo buộc âm mưu đảo chính, hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin hồi cuối tuần.

Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi văn bản yêu cầu Mỹ bắt giữ Gulen trước khi họ chính thức thực hiện các thủ tục cần thiết để yêu cầu Mỹ dẫn độ vị giáo sĩ này.

Đến nay, Washington vẫn từ chối dẫn độ ông Gulen với lý do không có bằng chứng rõ ràng và xác thực chứng tỏ ông này là chủ mưu cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại, mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì vấn đề xung quanh ông Gulen.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc