(VnMedia) - Mối quan hệ đồng minh vốn ít nhiều sứt mẻ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vừa phải hứng chịu một đòn giáng choáng váng gây ra từ cuộc đảo chính bất ngờ hồi cuối tuần vừa rồi ở Ankara và Istanbul.
Các tướng lĩnh tham gia đảo chính bị bêu mặt trước công chúng Thổ Nhĩ Kỳ |
Ngay sau khi cuộc đảo chính xảy ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã ngay lập tức chỉ đích thân giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ là chủ mưu của mọi sự hỗn loạn trên chính trường nước này trong những ngày vừa qua.
Ankara doạ sẽ chiến tranh với “bất kỳ nước nào” ủng hộ cho giáo sĩ Gulen - người từng là đồng minh then chốt của Tổng thống Erdogan nhưng hiện đang là kẻ thù không đội trời chung của Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một yêu cầu giống như “tối hậu thư” đòi đồng minh Mỹ phải lựa chọn hoặc là cho dẫn độ giáo sĩ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ, để chịu sự trừng phạt hoặc Mỹ sẽ phải chịu sự thù địch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chưa dừng lại ở đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ còn làm cho mối rạn nứt giữa họ với Mỹ thêm trầm trọng khi Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu công khai cáo buộc chính Mỹ là lực lượng đứng đằng sau giật dây cuộc đảo chính đẫm máu vừa diễn ra.
Chính quyền Mỹ đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ dành cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngay sau cuộc đảo chính, khẳng định Washington tin tưởng vào Nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp ông này có những sai lầm nhất định. Tuy nhiên, Mỹ cũng thể hiện một lập trường cứng rắn đối với Ankara. Washington từ chối yêu cầu dẫn độ của Ankara với lý do thiếu bằng chứng chứng tỏ ông Gulen đứng đằng sau giật dây cuộc đảo chính.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không cung cấp được bằng chứng đầy đủ cho chính quyền Tổng thống Barack Obama thậm chí chỉ là để xem xét lời đề nghị dẫn độ giáo sĩ Gulen chứ chưa nói đến việc thực hiện lời đề nghị này. Ông Kerry cũng phẫn nộ lên án những phát biểu đầy khiêu khích của Ankara, nói rằng lời cáo buộc về việc Mỹ có dính líu đến cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây hại nghiêm trọng đến quan hệ song phương.
Ông Kerry kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hãy thể hiện sự kiềm chế sau cuộc đảo chính và tuân thủ chặt chẽ pháp luật khi tiến hành điều tra về cuộc đảo chính.
Trong những diễn biến mới nhất, người ta lo ngại, không chỉ quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ mà cả quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Châu Âu cũng có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì cuộc đảo chính, cụ thể là cách thức xử lý tình hình của ông Erdogan.
Tổng thống Erdogan được cho là đang thực hiện cuộc “trả thù” đầy cuồng nộ khi bắt bớ hơn 7.500 người, trong đó có hơn 100 tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao cùng với hàng nghìn binh sĩ, cảnh sát và thẩm phán. Ông này còn sa thải 10.000 cảnh sát, sĩ quan quân đội, thẩm phán, người đứng đầu các khu vực và nhân viên Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Tính đến nay, ông Erdogan được cho là đã trút “đòn thù” lên gần 18.000 người.
Ông này còn tuyên bố không loại trừ việc áp dụng hình phạt tử hình đối với những người tham gia đảo chính.
Hành động của chính quyền Tổng thống Erdogan gây quan ngại đối với các đồng minh Mỹ và Châu Âu. Lâu nay, các đồng minh của Ankara vốn đã bất bình về những chính sách được cho là “độc tài, thiếu dẫn chủ và vi phạm nhân quyền”. Giờ đây, tình hình đang có chiều hướng còn tồi tệ hơn nữa. Không ít cảnh báo đã được đưa ra. Cụ thể, Mỹ tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bị đuổi khỏi khối NATO nếu không tôn trọng luật pháp, hành động theo pháp luật. Trong khi đó, giới chức Châu Âu cảnh báo, con đường gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở nên xa vời nếu nước này đưa hình phạt tử hình quay trở lại.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc