Tuyệt vọng, gần triệu người Anh đòi trưng cầu dân ý lại

18:20, 25/06/2016
|

(VnMedia) - Viễn cảnh phải ở ngoài Liên minh Châu Âu (EU) là điều dường như quá thảm họa đối với khoảng 16 triệu người Anh – những người bỏ phiếu ủng hộ cho nước Anh ở lại EU. Ngay cả nhiều người bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU lúc này cũng bắt đầu bày tỏ sự hối hận về hành động của họ cũng như kết quả không ngờ của cuộc bỏ phiếu lần này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong sự lo lắng và tuyệt vọng, lực lượng những người Anh ủng hộ đất nước họ ở lại trong EU đã lập trang kiến nghị trực tuyến đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2.

Dù chỉ mới được đưa ra vài giờ sau khi kết quả của cuộc bỏ phiếu ở Anh được công bố, trang kiến nghị trực tuyến nói trên đã nhanh chóng đạt mốc hơn 100.000 chữ ký và nó tiếp tục vượt xa con số này. Điều đó đồng nghĩa với việc kiến nghị của họ sẽ phải được tranh luận tại Quốc hội Anh trong vòng 1 năm.

Tính đến sáng nay (25/6), trang kiến nghị đòi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc Anh nên ở lại hay rời EU đã nhận được sự ủng hộ của 850.000 người. Lượt truy cập vào trang này tiếp tục tăng mạnh khiến nó bị quá tải và đã bị rớt mạng tạm thời.

“Trang kiến nghị trực tuyến đã bị tắc nghẽn tạm thời do tình trạng số lượng người truy cập vào trang cùng lúc cao một cách bất thường, cao hơn bất kỳ trang kiến nghị nào trước đây”, một nữ phát ngôn viên của Quốc hội Anh cho biết.

Tình trạng trên sau đó đã được bộ phận công nghệ của chính phủ Anh khắc phục và hiện giờ trang kiến nghị trực tuyến đang hoạt động trở lại.

Ông William Oliver Healey là người đưa ra ý tưởng lập trang kiến nghị trực tuyến nói trên. Ông này nói rằng, “chúng tôi kêu gọi chính phủ thực hiện một quy định theo đó nếu như cuộc bỏ phiếu vừa rồi có kết quả bên thắng đạt dưới 60% lá phiếu với tỉ lệ cử tri bỏ phiếu dưới 75% thì nên có một cuộc trưng cầu dân ý khác”.

Lập luận của ông Healey có vẻ ổn bởi tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý là 72% và sự chênh lệch giữa hai bên là rất nhỏ, 52% ủng hộ rời EU và 48% ủng hộ ở lại.

Tuy nhiên, khả năng có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai là điều khó xảy ra.

Kiệt Linh (theo RT)


Ý kiến bạn đọc