Đức sẽ là nước đầu tiên phá vỡ mặt trận chống Nga?

13:06, 02/06/2016
|

(VnMedia) - Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều tiếng nói từ Đức đòi từ bỏ chính sách trừng phạt nhằm vào Nga. Đức là nước đang dẫn dắt Liên minh Châu Âu (EU) trong cuộc đối đầu với Nga. Liệu Đức có phải là nước đầu tiên phá vỡ mặt trận mà họ tiên phong dựng lên hay không?

Ngày càng có nhiều quan chức Đức lên tiếng đòi từ bỏ chính sách trừng phạt Nga
Ngày càng có nhiều quan chức Đức lên tiếng đòi từ bỏ chính sách trừng phạt Nga

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hồi đầu tuần này tiếp tục nhắc lại lời đề xuất của ông về việc dỡ bỏ dần dần các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga, dựa trên sự tiến bộ đạt được trong quá trình thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Ngoại trưởng Steinmeier còn cho rằng, Berlin nên tham gia vào một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Moscow trong khi vẫn bảo vệ các giá trị Châu Âu.

"Lời đề nghị của tôi được đưa ra từ tuần trước là chúng ta nên xem xét khả năng dỡ bỏ dần từng bước các biện pháp trừng phạt nếu có những tiến bộ cụ thể trong việc thực hiện thỏa thuận Minsk”, ông Steinmeier phát biểu tại một diễn đàn Nga-Đức ở thủ đô Berlin.

Cũng theo Ngoại trưởng Đức, Nga và phương Tây có thể khôi phục lại sự tin tưởng lẫn nhau nếu cả hai bên quyết tâm nỗ lực đi theo hướng này.

Ngoại trưởng Steinmeier là một trong hàng loạt các quan chức của Đức và EU gần đây lên tiếng kêu gọi từ bỏ chính sách trừng phạt Nga. Càng đến gần thời điểm EU họp bàn về việc có gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga hay không thì càng có nhiều chính khách và các nhà phân tích của Châu Âu thể hiện lập trường phản đối chính sách trừng phạt.

Ông Steinmeier đã phải thừa nhận thực tế rằng, trong cuộc họp sắp tới, EU sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc tìm được tiếng nói đồng thuận trong quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt. Thậm chí một số nhà phân tích dự đoán, sẽ có một số nước bỏ phiếu phản đối hoặc EU sẽ chỉ có thể gia hạn thêm một thời gian ngắn nữa chính sách trừng phạt Nga.

EU bắt đầu tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga từ hồi năm 2014 sau khi xảy ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea và tình hình xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát.

Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt của Nga là lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga.

Cuộc chiến trừng phạt trên đã gây tổn thất lớn cho nền kinh tế của cả hai bên. Trong khi đó, phương Tây không hề đạt được mục đích chính trị của chính sách này là khuất phục Nga trong vấn đề Ukraine.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu đang có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.

EU chìa tay ra với Nga?

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker sắp đến thăm Nga. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy sự ấm lên trong quan hệ ngoại giao giữa Nga và phương Tây.

Được biết, ông Juncker sẽ đến Nga vào tháng tới. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao EU đến Nga kể từ sau khi xảy ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Tuy nhiên, ông Jean-Claude Juncker vẫn khăng khăng khẳng định, sẽ không có chuyện nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Về phần mình, Nga cũng nói tránh về triển vọng sẽ có một sự ấm lên đáng kể trong quan hệ ngoại giao giữa nước này với EU.

Cũng giống như Mỹ, liên minh 28 thành viên đang có mối quan hệ giá băng với Nga do cuộc khủng hoảng ở Ukraine gây nên. Chỉ có một vài nhà lãnh đạo của EU đến thăm Nga trong 2 năm qua, trong đó có giới chức Hy Lạp và Cypriot hồi năm ngoái và Tổng thống Áo, Thủ tướng Hungary trong năm nay.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc