Nga, Mỹ lại sục sôi vì lá chắn tên lửa

08:00, 09/05/2016
|

(VnMedia) - "Moscow cần có sự bảo đảm mang tính ràng buộc về pháp lý cho hệ thống lá chắn tên lửa mà Mỹ muốn dựng lên ở Châu Á không nhằm vào Nga", Ngoại trưởng Sergey Lavrov hồi cuối tuần vừa rồi đã cho biết như vậy sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những hành động của Bình Nhưỡng không nên được sử dụng như một cái cớ để tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Lavrov cho hay.

"Về phần mình, chúng tôi nhấn mạnh đến việc bất chấp sự đoàn kết mà chúng ta đang có nhằm chống lại những sự thiếu kiềm chế về vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Nga tin rằng những nỗ lực để dùng tình hình đó làm cái cớ cho động thái tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực là tuyệt đối không hợp lý và hơi nguy hiểm", ông Lavrov nói đồng thời giải thích rằng ông đang đề cập đến những bước chuẩn bị về mặt quân sự của Mỹ khi nước này đang thực hiện các bước đi không cân xứng nhằm đối phó với nguy cơ từ giới lãnh đạo Triều Tiên.

"Chúng tôi xác nhận rằng, cũng như hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu, chúng tôi đã được khẳng định rằng hệ thống ở Châu Á không nhằm vào chúng tôi nhưng đánh giá của chúng tôi có hơi khác. Nếu tất cả những thứ này không nhằm vào Nga, chúng tôi cần có sự đảm bảo mang tính ràng buộc về pháp lý rằng chúng tôi không phải là một mục tiêu”, nhà ngoại giao hàng đầu Nga nhấn mạnh".

Washington gần đây đã cùng với đồng minh Seoul khởi động tiến trình đàm phán chính thức về khả năng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km – đây là khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc.

Trước đây, Hàn Quốc chần chừ chưa muốn cho phép Mỹ triển khai THAAD trên lãnh thổ của họ vì sợ làm mất lòng đối tác thương mại lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi kể từ sau khi Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đầy thách thức trong những tháng vừa qua.

Nga và đặc biệt là Trung Quốc phản đối mạnh mẽ kế hoạch trên.Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Wang Yi từng lên tiếng công khai bày tỏ sự quan ngại về khả năng Mỹ đưa THAAD đến Hàn Quốc. Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, việc triển khai hệ thống THAAD “vượt ra khỏi bất kỳ mối đe dọa nào có thể tưởng tượng được từ Triều Tiên”. Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi nhấn mạnh, triển khai THAAD sẽ “gây hại trực tiếp đến các lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc và Nga".

Trước đó, Nga và Mỹ đã đối đầu gay gắt với nhau về kế hoạch lá chắn tên lửa mà Washington đang thúc đẩy thực hiện ở Châu Âu. Moscow cũng muốn Washington đưa ra lời đảm bảo mang tính ràng buộc về pháp lý rằng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu không nhằm vào Nga. Tuy nhiên, Mỹ bác bỏ đòi hỏi này của Nga dù vẫn khăng khăng khẳng định kế hoạch thiết lập lá chắn tên lửa của Washington ở Châu Âu không nhằm vào Moscow. Kết quả là cho đến tận bây giờ, hai nước Nga và Mỹ vẫn chưa thể tháo gỡ được mối quan hệ căng thẳng liên quan đến kế hoạch nói trên.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc