(VnMedia) - Mỹ lần đầu tiên tung chiến đấu cơ tối tân nhất, tinh vi nhất - F-22 của mình đến ngay cửa ngõ của Nga trong một động thái được tin là nhằm để răn đe, đối phó với Nga. Tuy nhiên, Washington vẫn tuyên bố, F-22 của họ ở đây không phải để “khiêu khích”.
Ảnh minh hoạ |
Hai chiếc chiến đấu cơ tàng hình tối tân nhất thế giới của Mỹ - F-22 hôm 25/4 đã lần đầu tiên xuất hiện trên bầu trời ở Biển Đen kể từ khi Washington tăng cường sự hiện diện và ủng hộ quân sự cho các đồng minh ở sườn phía đông của NATO - những nước đang lo ngại về cái gọi là mối đe doạ mang tên Nga.
Tổng thống Barack Obama năm 2014 đã cam kết sẽ tăng cường bảo vệ cho các thành viên ở sườn phía đông của NATO, gần với Nga, sau khi xảy ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea.
Một chiếc máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 của Mỹ đã bay cùng với hai chiếc chiến đấu cơ F-22 Raptor từ Anh đến căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu của Rumani ở Biển Đen. "Chúng tôi ở đây để thể hiện năng lực của mình trong việc tung F-22 đi bất kỳ nơi nào cần thiết trong liên minh NATO hoặc khắp Châu Âu”, chỉ huy phi đội chiến đấu cơ F-22 của Mỹ - ông Daniel Lehoski cho biết.
Khi những chiếc chiến đấu cơ của Nga hạ cánh xuống sân bay ở Rumani, nhiệm vụ của chúng đã rõ ràng: đó là thể hiện rằng Mỹ sẵn sàng phô diễn sức mạnh quân sự nếu thấy cần thiết và đây là thông điệp cứng rắn mà Mỹ muốn gửi đến Nga.
Việc Mỹ tung hai chiếc F-22 đến Rumani diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên Đông Âu của NATO đang kêu gọi liên minh này tăng cường sự hiện diện quân sự lớn hơn ở khu vực để đối phó với Nga.
Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine với vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga và cuộc nội chiến đẫm máu ở miền đông Ukraine, một số quốc gia trong khu vực tỏ ra hoài nghi và lo ngại về Nga. Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Ba Lan thậm chí còn nói rằng, Nga là “mối đe doạ hiện hữu nguy hiểm hơn cả tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)”.
Đại sứ Mỹ tại Bucharest - ông Hans Klemm cho biết, Mỹ và Rumani đang tìm cách cải thiện mối quan hệ song phương. Theo ông này, cần phải thiết lập một nền an ninh tốt hơn ở đông nam Châu Âu “do sự gây hấn của Nga đã gây ra tình trạng bất ổn định lớn cho khu vực này của thế giới trong hai hoặc ba năm qua”. Rumani là một thành viên của NATO từ năm 2004.
Mối quan hệ giữa Nga với liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau thế chiến II. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. Đồng thời, Mỹ và NATO được cho là còn tìm cách thổi phồng cái gọi là mối đe doạ mang tên Nga, khiến nhiều nước láng giềng của Nga tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự và kêu gọi NATO đưa quân, vũ khí vào khu vực để đối phó với Nga.
Hành động đưa F-22 đến Biển Đen là cách để Mỹ làm hài lòng các thành viên NATO, thể hiện cam kết bảo vệ các đồng minh Đông Âu của họ trong khu vực và răn đe Nga.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn bác bỏ việc họ tung F-22 ra để gây sức ép với Nga. “Chúng tôi không ở đây để khiêu khích bất kỳ ai. Chúng tôi ở đây để hợp tác với các đồng minh”, ông Dan Barina - một phi công 26 tuổi lần đầu tiên đến khu vực Biển Đen, đã phát biểu như vậy.
F-22 là niềm tự hào của người Mỹ bởi nó là chiếc máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 duy nhất của thế giới được đưa vào hoạt động cho đến thời điểm này và nó cũng là thứ vũ khí đáng gờm đối với bất kỳ quốc gia nào muốn đối đầu với Mỹ. F-22 luôn đứng đầu trong danh sách những chiếc máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới. F-22 thiện chiến và được coi là vũ khí quý giá của Mỹ đến mức nước này cấm xuất khẩu F-22.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc