Siêu chiến đấu cơ F-22 khiến kẻ thù "bạt vía"?

07:08, 23/02/2016
|

(VnMedia) - Các hãng tin Mỹ mới đây cho biết, siêu chiến đấu cơ F-22 - niềm tự hào của họ trong ngành vũ khí, hiện đang tung hoành ngang dọc trên chiến trường Syria, dù thực chất Mỹ chẳng cần đến loại vũ khí tinh vi này trong cuộc chiến ở đây.

F-22 của Mỹ
F-22 của Mỹ

Kể từ khi liên quân hùng hậu do Mỹ dẫn đầu bắt đầu khởi động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria hồi tháng 9 năm 2014, F-22 liên tục “hoạt động thường xuyên” trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Những chiếc F-22 uy dũng của  Mỹ đã phóng hơn 200 quả bom vào các mục tiêu trong 150 lần xuất kích, Lực lượng Không quân Mỹ cho biết.

“Chúng tôi thường được giao mục tiêu mục tiêu và phá hủy những trại huấn luyện, các cơ sở tích trữ vũ khí, chế tạo thiết bị nổ, các khu vực chiến đấu cũng như những trụ sở chỉ huy khác nhau và nhằm vào năng lực liên quan đến hoạt động buôn bán dầu mỏ. F-22 rất có ích trong việc xóa sổ hàng loạt mục tiêu có giá trị cao”, ông Joseph Simms một quan chức trong Không lực Mỹ cho hay. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận, Mỹ không nhất thiết phải dùng loại vũ khí tinh vi và quý giá như vậy trên chiến trường Syria.

F-22 là niềm tự hào của người Mỹ bởi nó là chiếc máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 duy nhất của thế giới được đưa vào hoạt động cho đến thời điểm này và nó cũng là thứ vũ khí đáng gờm đối với bất kỳ quốc gia nào muốn đối đầu với Mỹ. F-22 luôn đứng đầu trong danh sách những chiếc máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới.

F-22 được xem là loại máy bay chiến đấu tinh vi nhất thế giới với khả năng có một không hai là thực hiện sứ mệnh tham chiến không đối không, không đối đất cùng một thời điểm mà gần như không bị hề hấn gì. F-22 Raptor đạt chuẩn chưa từng có về khả năng sống sót ngay cả khi phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa lớn, tinh vi từ trên không lẫn dưới đất. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, F-22 còn có khả năng thực hiện xuất sắc một loạt nhiệm vụ gồm thu thập tin tình báo, do thám, trinh sát và tấn công điện tử. Để đảm bảo tàng hình trước radar đối phương, F-22 giấu kín tên lửa và bom vào khoang trong. Nó gia nhập Không lực Mỹ vào tháng 12/2005.

Luật Mỹ cấm xuất khẩu máy bay chiến đấu tàng hình F-22.


Ý kiến bạn đọc