Mỹ và Nga đạt "thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn" ở Syria

17:45, 12/02/2016
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 12/2 cho biết các cường quốc đang họp bàn về tình hình Syria đã nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 7 ngày trên cả nước.

Tuyên bố được ông Kerry đưa ra sau khi quân đội Syria giành được lợi thế trước phe nổi dậy ở tỉnh Aleppo những ngày gần đây.

Ông Kerry thừa nhận thỏa thuận ngừng bắn là một kế hoạch đầy “tham vọng” và chỉ còn đợi các bên tôn trọng cam kết. “Những gì chúng tôi có ở đây chỉ là trên giấy tờ, còn những gì chúng ta cần phải nhìn thấy trong vài ngày tiếp theo là những hành động cụ thể trên mặt đất” – ông nói.

Vị ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và phong trào mặt trận al-Nusra vẫn sẽ tiếp diễn.

Song song đó, một lực lượng đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng được thành lập để bảo đảm an toàn cho hành lang nhân đạo vận chuyển hàng cứu trợ tới các khu vực trong và ngoài Aleppo.

Ông Kerry đã thông báo cho người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria Staffan de Mistura, đồng thời nhấn mạnh “có lý do để hy vọng chúng tôi đã làm được một công việc tuyệt vời ngày hôm nay”.

Tại buổi họp báo hôm 12/2, ông Kerry một lần nữa khẳng định chiến dịch không kích của Nga nhắm mục tiêu vào các lực lượng đối lập chứ không phải những kẻ khủng bố như Moscow nói.

Trước đó, ngày 11/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này đang hết kiên nhẫn với cuộc khủng hoảng ở Syria và có thể bị buộc phải hành động. Ông Erdogan kêu gọi LHQ làm nhiều hơn để ngăn chặn cuộc “thanh lọc sắc tộc” đang xảy ra ở quốc gia Trung Đông này.

Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, LHQ “không thành thật” khi đề nghị Ankara tích cực giúp đỡ người tị nạn Syria thay vì hành động để ngăn chặn đổ máu ở nước láng giềng phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Làn sóng người tị nạn có thể lên tới 600.000 người nếu các cuộc không kích tiếp tục. Chúng tôi đang chuẩn bị phương án đối phó. Chúng tôi chỉ kiên nhẫn tới một mức độ nào đó và sẽ làm những gì cần thiết. Xe buýt và máy bay của chúng tôi sẽ không chờ đợi trong vô vọng” - ông Erdogan phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp ở Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ cho tới hiện tại đã tiếp nhận khoảng 2,6 triệu người tị nạn Syria. Nước này đang thúc đẩy việc thành lập một vùng an toàn ở miền Bắc Syria nhằm bảo vệ dân thường mà không đưa họ qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ.

NATO cân nhắc tham gia liên minh chống IS

Ngày 11/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết NATO đang xem xét khả năng tham gia liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq.

Phát biểu sau hội nghị bộ trưởng quốc phòng NATO tổ chức ở Brussels để bàn về việc đóng góp cho chiến dịch chống IS đang triển khai tại Syria và Iraq, ông Carter cho hay liên minh quân sự này đang tính tới khả năng sẽ tham gia liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu. Hiện toàn bộ 28 thành viên của NATO đều tham gia liên quân trên, nhưng với tư cách các quốc gia độc lập thay vì một liên minh. Một số quốc gia NATO từng đắn đo trước khả năng tổ chức này can dự trực tiếp vào chiến dịch chống IS, tuy nhiên việc lực lượng thánh chiến đang mở rộng hoạt động sang Libya và tiến gần hơn tới châu Âu đã gây áp lực khiến những nước này thay đổi quan điểm.

Ông Carter khẳng định rằng với tư cách thành viên mới của liên quân chống IS, NATO sẽ giúp mang đến nhiều khả năng đặc biệt. Vị bộ trưởng Mỹ cũng hy vọng trong thời gian tới sẽ được thảo luận về vai trò thích hợp của NATO trong liên quân.


Ý kiến bạn đọc