Đưa tên lửa đến Hoàng Sa, Trung Quốc trở mặt trong chớp mắt

07:09, 18/02/2016
|

(VnMedia) - Trung Quốc lại vừa khuấy đảo Biển Đông bằng việc đưa tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động này cho thấy sự trở mặt trong chớp mắt của Trung Quốc khi trước đó nước này vừa mới cam kết không quân sự hóa Biển Đông – một trong những điểm nóng dễ bùng phát xung đột nhất trên thế giới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đang tìm mọi cách để chiếm hai quần đảo nói trên của Việt Nam.

Trong một động thái mới nhất, Trung Quốc hồi đầu tháng này được cho là đã triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây ra một cơn sóng gió mới ở Biển Đông.

Hành động trên của Bắc Kinh không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn cho thấy sự trở mặt trong chớp mắt của giới lãnh đạo nước này. Sự lật mặt nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến Mỹ cũng phải choáng váng.

Giới chức Mỹ xem vấn đề triển khai tên lửa đến Hoàng Sa của Trung Quốc là rất nghiêm trọng. Trong chuyến thăm đến Nhật Bản ngày hôm qua (17/2), Đô đốc Harry B. Harris, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay, hành động đưa tên lửa HQ-9 đến đảo Phú Lâm của Trung Quốc là sự phản bội đối với lời hứa mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa mới đưa ra hồi cuối năm ngoái về việc sẽ không quân sự hóa Biển Đông”, ông Harris cho biết.

Đô đốc Harris bày tỏ, “động thái của Trung Quốc khiến tôi cực kỳ quan ngại bởi nó là dấu hiệu rõ ràng của việc quân sự hóa Biển Đông”.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng gay gắt chỉ trích Trung Quốc về việc phá bỏ lời hứa một cách nhanh chóng và dễ dàng như vậy. Hồi tháng 9 năm ngoái, khi đến thăm Nhà Trắng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng cam kết sẽ không có hành động quân sự hóa Biển Đông. Thế mà, thay vì giữ lời hứa, Bắc Kinh đã phản bội lại cam kết của chính họ, đưa tên lửa ra Biển Đông.

"Khi Chủ tịch Tập Cận Bình ở đây, ở Washington, ông ấy đã đứng trong Vườn Hồng cùng với Tổng thống Obama và nói rằng, Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Nhưng mỗi ngày đều có bằng chứng cho thấy ngày càng có nhiều hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc", ông Kerry thẳng thừng tố cáo ngay trước thềm cuộc gặp với Ngoại trưởng Ba Lan ở Washington.

"Chúng tôi rất quan ngại", Ngoại trưởng Kerry cho biết, đồng thời nói thêm rằng Mỹ có thể sẽ “có cuộc hội đàm nghiêm túc” với Trung Quốc về vấn đề này trong mấy ngày tới.

Mỹ cảnh báo căng thẳng trên Biển Đông sẽ leo thang vì hành động của Trung Quốc.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, đối phó và đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.

Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.


Ý kiến bạn đọc