(VnMedia) - Phe nổi dậy Syria sẵn sàng dốc sức chiến đấu bên Nga trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ông Salem al-Muslad – một phát ngôn viên của phái đoàn Uỷ ban Đàm phán Cấp cao – đại diện của phe đối lập Syria, hôm qua (1/2) cho biết.
Ảnh minh hoạ |
Phát biểu trên khiến người ta nghĩ rằng phe nổi dậy Syria – kẻ thù của chính quyền Tổng thống Assad đang ngả dần về phía Nga và đang lôi kéo Nga về phía mình. Nếu sự thực là như vậy thì liệu ông Assad có mất đi đồng minh lớn nhất, mạnh nhất và quý giá nhất của mình hay không?
Ông Salem al-Muslad đã nói: " Nếu chúng tôi thấy Nga đang nỗ lực một cách nghiêm túc trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, chúng tôi sẽ dốc sức chiến đấu sát cánh với Nga trong cuộc chiến ở Syria. Chúng tôi sẽ chiến đấu cùng nhau để chống lại Daesh (cách gọi khác của tổ chức IS)". Tuy nhiên, ông này lại đòi Nga phải ngừng chiến dịch không kích.
Chưa hết, ông Muslad còn nói thêm rằng, ông Mohammed Alloush – một đại diện của nhóm khủng bố Jaish al-Islam, sẽ là nhà đàm phán chính của phái đoàn phe đối lập Syria trong các cuộc đàm phán hoà bình ở Geneva. "Ông ấy vẫn là nhà đàm phán chính của chúng tôi. Ông ấy sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán cùng với chúng tôi trong ngày hôm nay”, ông Muslad nhấn mạnh.
Nga xem Jaish-al-Islam là một nhóm khủng bố. "Không chỉ có ông Alloush. Chúng tôi đều đã đến đây; những người khác sẽ sớm đến tham gia cùng chúng tôi. Đó là nhóm đàm phán của chúng tôi và không có bất kỳ sự thay đổi nào”, ông Muslad khẳng định.
Một nguồn tin từ Uỷ ban Đàm phán Cấp cao cho hay, phái đoàn đàm phán của phe đối lập Syria sẽ bao gồm 45 thành viên, trong số đó có khoảng 30 người đang ở Thuỵ Sỹ. Cựu Thủ tướng Syria Riyad Hijab – nhà đàm phán chính của Uỷ ban Đàm phán Cấp cao, được cho là sẽ đến Geneva trong ngày hôm nay (2/2).
"Riyad Hijab sẽ đến vào sáng mai", ông Muslad hôm qua cho biết. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Gennady Gatilov đã tuyên bố, Moscow luôn nghĩ rằng nhóm Jaish al-Islam không nên có mặt trong phái đoàn của phe đối lập đến tham dự hội nghị đàm phán hoà bình ở Geneva. "Chúng tôi luôn nói rằng, chúng tôi xem nhóm Jaish al-Islam là một tổ chức khủng bố. Chúng tôi không nghĩ đại diện của nhómn đó nên có mặt trong đoàn đàm phán", ông Gatilov cho biết đồng thời nói thêm rằng, đặc phái viên của Syria tại Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Việc phe đối lập Syria muốn Nga ngừng chiến dịch không kích và đưa đại diện của một nhóm bị Nga coi là tổ chức khủng bố vào bàn đàm phán hoà bình chứng tỏ lực lượng này không phải là đã ngả về phía Moscow và lôi kéo đồng minh của ông Assad.
Chính quyền Syria phát đi tín hiệu lạc quan
Liên Hợp Quốc hôm qua (½) cho biết, chính quyền Syria “về mặt nguyên tắc” đã nhất trí với yêu cầu về việc tạo điều kiện cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo cho các thành phố bị bao vây của Syria gồm Madaya, al-Foua và Kefraya.
Tiến trình đàm phán hoà bình nhằm tìm lối thoát cho cuộc xung đột kéo dài 5 năm qua ở Syria đagn diễn ra ở Geneva và phe đối lập Syria liên tục nhấn mạnh họ sẽ không tham gia vào tiến rình này cho đến khi toàn bộ sự bao vây, phong toả được dỡ bỏ.
Madaya, nằm gần biên giới với Li-băng, có dân số khoảng 40.000 người và đã bị bao vây bởi lực lượng thân chính phủ Syria trong suốt 6 tháng qua. Kefraya và al-Foua nằm ở tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria, có khoảng 12.500 dân. Hai thành phố này đều bị bao vây bởi lực lượng chiến binh từ hồi tháng 4 năm 2015.
Có khoảng 15 địa điểm bị bao vây và 450.000 người bị mắc kẹt ở đất nước Syria, Liên Hợp Quốc cho hay.
Ý kiến bạn đọc