ASEAN quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông

07:13, 29/02/2016
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra, trong đó có các hoạt động bồi đắp và các hành động khác, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đông.

Hình ảnh lễ khai mạc Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Ảnh: TTXVN
Hình ảnh lễ khai mạc Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Ảnh: TTXVN

Ngày 27/2, tại Viêng-chăn, Lào, đã diễn ra Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị này.

Đây là Hội nghị ASEAN đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2016 của Lào và cũng là Hội nghị đầu tiên của ASEAN sau khi ASEAN hình thành Cộng đồng vào ngày 31/12/2015 và thông qua Tầm nhìn ASEAN 2025, nhằm định hướng cho hợp tác ASEAN trong năm 2016, đưa ASEAN bước sang giai đoạn liên kết mới sâu rộng hơn.

Với chủ đề hợp tác “Đưa tầm nhìn thành hiện thực vì một cộng đồng ASEAN năng động”, Hội nghị lần này tập trung bàn triển khai kết quả Cấp cao ASEAN lần thứ 27 (tháng 11/2015), trao đổi các ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN của Lào, tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Về triển khai kết quả Cấp cao ASEAN lần thứ 27, các nước trao đổi các biện pháp triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể của 3 Cộng đồng, nhất là Cộng đồng Chính trị-An ninh. Các nước nhất trí cần xác định các lĩnh vực và biện pháp ưu tiên trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, huy động và phân bổ nguồn lực phù hợp cũng như tăng cường các cơ chế giám sát và điều phối ở cả cấp quốc gia và khu vực nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng thực thi.

Các nước đều ủng hộ 8 ưu tiên  do Lào đề xuất, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của năm 2016 là năm đầu tiên của Cộng đồng ASEAN, nhất trí sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác và liên kết ASEAN trên cả 3 trụ cột với những kết quả thực chất và cụ thể; củng cố đoàn kết, thống nhất của ASEAN, phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực, đẩy mạnh đối thoại, hợp tác, tăng cường lòng tin, hiểu biết và sự tin cậy giữa các nước, nâng cao năng lực của ASEAN nhằm ứng phó kịp thời và hữu hiệu với các thách thức đang và sẽ đặt ra,  tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức ASEAN.

Bàn về quan hệ đối ngoại, các nước nhất trí cần tiếp tục thúc đẩy thực chất quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, khuyến khích các Đối tác tham gia, đóng góp xây dựng vào các vấn đề thuộc quan tâm và lợi ích chung ở khu vực cũng như tiếp tục hỗ trợ cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần tăng cường hiệu quả các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực trên cơ sở bảo đảm vai trò và lợi ích của ASEAN.

Về tình hình khu vực và quốc tế, các Bộ trưởng trao đổi về nhiều vấn đề cùng quan tâm như tình hình Bắc Triều Tiên, Biển Đông, các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, an ninh mạng, buôn bán người và di cư bất thường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Các Bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh khu vực và quốc tế ngày càng chuyển biến phức tạp, tác động nhiều chiều đến ASEAN, ASEAN phải tăng cường vai trò trung tâm, củng cố đoàn kết, thống nhất, lập trường chung, nâng cao trách nhiệm và vai trò chủ đạo trong việc xử lý các vấn đề ở khu vực.

Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra, trong đó có các hoạt động bồi đắp và các hành động khác, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, không quân sự hóa, kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và đạt tiến triển thực chất trong việc thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).


Ý kiến bạn đọc