(VnMedia) - Bất chấp nội bộ ngày một mâu thuẫn về chính sách trừng phạt Nga, Liên minh Châu Âu (EU) được cho là sẽ tiếp tục làm cho đối tác thương mại, năng lượng hàng đầu của mình đau đớn bằng cách gia hạn thêm thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Ảnh minh họa |
EU có thể sẽ đưa ra quyết định gia hạn thời gian áp dụng các biện pháp trừng phát về kinh tế đối với Nga trong cuộc họp của ngoại trưởng các nước thành viên vào tuần tới, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo liên minh.
Liên minh Châu Âu bắt đầu tung ra một loạt đòn trừng phạt nhằm mục tiêu vào các ngành then chốt của Nga như năng lượng, ngân hàng và quốc phòng hồi tháng 7 năm 2014. Lý do trừng phạt được EU tuyên bố là vì Moscow dẫn dắt cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine. Cuộc chiến giữa quân đội Kiev và lực lượng ly khai miền đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của 9.100 người trong 21 tháng qua.
Gói biện pháp trừng phạt Nga của EU sẽ hết hạn vào tháng 1 tới và liên minh này được cho là sẽ gia hạn thời gian áp dụng thêm 6 tháng nữa.
Theo các nhà ngoại giao Châu Âu tiết lộ vào ngày hôm qua (10/12), EU sẽ đưa ra quyết định chính thức về việc gia hạn thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga trong cuộc họp của Ngoại trưởng các nước thành viên vào thứ Tư tuần sau (16/12), ngay trước thềm của hội nghị thượng đỉnh của nguyên thủ các nước thành viên EU dự kiến diễn ra ở Brussels của Bỉ vào hai ngày 17-18/12. Đây là hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của lãnh đạo các nước EU trong năm 2015. Cuộc khủng hoảng nhập cư, chống khủng bố và các cuộc đàm phán giữa Anh và EU được cho là sẽ trở thành những chủ đề thống trị trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh EU.
Quan hệ giữa Nga và EU đang trải qua những tháng ngày khủng hoảng nhất, đen tối nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát hồi đầu năm ngoái.
Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Ngoài Mỹ, EU, một loạt nước khác gồm Australia, Canada, Na-uy, Ukraine... đều tham gia vào chính sách trừng phạt Nga.
Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt của Nga là lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga.
Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên. Nếu như nền kinh tế Nga lao đao vì đòn trừng phạt của phương Tây thì bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang “ngấm đòn đau” từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga cũng như từ các đòn trả đũa của Moscow.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu đang có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.
Ngoài ra, nhiều nước Châu Âu còn muốn xích lại gần Nga hơn sau khi mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là từ nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đang ngày càng hiển hiện và ngày càng nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Một số quốc gia Châu Âu tin rằng, việc họ hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp hôm 13/11 mới đây.
Bất chấp sự bất mãn của một số nước thành viên EU đối với chính sách trừng phạt Nga, liên minh này được cho là vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách nói trên.
Trong một diễn biến đầy bất ngờ, Italia hôm qua đã đề nghị đưa vấn đề gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của EU thay vì là quyết định luôn tại cuộc họp của các ngoại trưởng.
Tuy nhiên, đề nghị của Italia không được chấp nhận. Các nhà ngoại giao EU cho biết, các quốc gia thành viên không muốn đưa vấn đề trừng phạt Nga vào chương trình nghị sự của các nguyên thủ bởi nếu điều đó xảy ra, nó sẽ phơi bày thực tế là sự thiếu đoàn kết ngày càng tăng trong nội EU liên quan đến chính sách đối với Nga.
Ý kiến bạn đọc