(VnMedia) - Chính phủ Anh đang có kế hoạch chi đến 12 tỉ bảng Anh (tương đương 18 tỉ USD) để mua một số lượng lớn lên tới 138 chiến đấu cơ đỉnh cao F-35.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các cường quốc đang hối hả lao vào cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau khi IS reo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp thế giới bằng những cuộc tấn công tàn độc, vô nhân đạo, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân vô tội.
Chiến đấu cơ F-35 |
Chính phủ Anh hôm nay (23/11) thông báo, nước này có kế hoạch đầu tư 12 tỉ bảng Anh để mua 138 chiếc máy bay chiến đấu F-35 và đây là một phần trong chiến lược quốc phòng mới của Anh.
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne tiết lộ, theo bản Chiến lược An ninh và Quốc phòng mới, đến năm 2023, Anh sẽ có trong tay 24 chiếc chiến đấu cơ đỉnh cao F-35 và 2 tàu sân bay mới.
Báo chí Anh trước đó, hôm 22/11, đưa tin, trong khoảng thời gian dài hơn, Không lực Hoàng gia Anh sẽ đặt mua 138 chiếc máy bay chiến đấu F-35.
Anh cũng được mong đợi sẽ mua thêm một loạt máy bay do thám mới, huỷ quyết định được đưa ra năm 2010 về việc từ bỏ thế hệ máy bay do thám hàng hải mới nhất Nimrod.
Dự kiến, Bộ trưởng Tài chính Osborne sẽ thông báo chính thức về kế hoạch mua máy bay F-35 và tăng chi tiêu dành cho hoạt động chống khủng bố lên 30% vào ngày thứ Tư tới (25/11). Ông Osborne cũng sẽ thông báo chi tiết về những khoản cắt giảm chi tiêu ngân sách được Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là kế hoạch thắt chặt chi tiêu ngân sách sâu nhất trong số những nền kinh tế phát triển hàng đầu của thế giới trong giai đoạn từ giờ đến năm 2020.
Chính phủ Anh hôm nay sẽ đưa ra chiến lược quốc phòng trong giai đoạn 5 năm tới. "Chúng tôi sẽ tăng cường sức mạnh cho tàu sân bay của Anh. Chúng tôi sẽ phải bảo đảm chắc chắn rằng khi những tàu sân bay đó được đưa vào biên chế của quân đội, chúng sẽ đã có sẵn những chiếc máy bay chiến đấu đỉnh cao để có thể cất cánh từ tàu sân bay", ông Osborne cho biết khi nói về kế hoạch bổ sung 2 tàu sân bay mới.
"Vào năm 2023, chúng tôi có thể sẽ có 24 chiếc F-35 – một trong những chiếc chiến đấu cơ mạnh nhất thế giới hiện nay, trên boong của các tàu sân bay”, Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết thêm.
24 chiếc chiến đấu cơ nói trên sẽ là lô hàng đầu tiên trong đơn đặt hàng lên tới 138 chiếc F-35 Lightning II, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh cho hay.
Bộ trưởng Osborne bác bỏ những lập luận cho rằng việc Anh tập trung cắt giảm chi tiêu ngân sách mạnh như vậy sẽ phá hỏng nỗ lực của nước này trong việc xây dựng năng lực ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố như vừa xảy ra ở thủ đô Paris hồi đầu tháng này. Ông Osborne tuyên bố, chi tiêu dành cho việc tăng cường năng lực chống khủng bố của Anh sẽ tăng 30%.
"Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng, Anh được bảo vệ một cách đầy đủ trước mối đe doạ từ khủng bố", ông Osborne nhấn mạnh.
Thủ tướng Anh David Cameron cũng khẳng định, London sẽ chi khoảng 200 tỉ bảng Anh (khoảng 300 tỉ USD) trong giai đoạn 10 năm tới để tăng cường năng lực phòng thủ của nước này, trong đó có cả năng lực chống chủ nghĩa khủng bố.
“Chúng tôi không thể để gánh nặng và những nguy cơ trong việc bảo vệ đất nước mình cho người khác”, ông Cameron cho biết trong bài báo được đăng tải trên tờ The Telegraph.
Nguồn ngân sách trên sẽ được dành cho việc mua sắm và duy trì vũ khí, trang thiết bị, trong đó có việc tăng gấp đôi đầu tư vào các thiết bị quân sự cho Lực lượng Đặc nhiệm, Thủ tướng Cameron cho hay.
“Chúng tôi sẽ thiết lập thêm 2 phi đội Typhoon và một phi đội F-35 để hoạt động trên các tàu sân bay. Chúng tôi sẽ đầu tư mua 9 máy bay tuần tra hàng hải để bảo vệ khả năng răn đe hạt nhân, truy lùng các tàu ngầm của kẻ thù và tăng cường cho nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ”, Nhà lãnh đạo Anh cho biết thêm.
Tuyên bố trên được đưa ra khi Quốc hội Anh dự kiến sẽ có cuộc bỏ phiếu về việc khởi động chiến dịch không kích chống IS ở Syria vào tháng 12 tới. Nếu Quốc hội Anh ủng hộ đề nghị của Thủ tướng Cameron trong việc phát động các cuộc oanh kích nhằm vào IS thì chiến dịch này có thể bắt đầu vài giờ ngay sau khi quyết định được đưa ra.
Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.
Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ, tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời. F-35 có 3 phiên bản khác nhau gồm F-35A, F-35B và F-35C. Trong đó, F-35A có khả năng cất và hạ cánh như máy bay chiến đấu thông thường; F-35B cất và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng và F-35C triển khai trên các tàu sân bay.
Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h. Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm - gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp. F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.
Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ từng tự tin tuyên bố loại máy bay tiêm kích tàng hình F-35 mới của họ có thể tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga - một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất trên thế giới. Vì thế, F-35 được rất nhiều nước thèm muốn. Tất cả các phiên bản của F-35 đều được trang bị công nghệ tàng hình siêu việt, có khả năng tránh radar, đạt tốc độ siêu âm và gắn camera giúp phi công có thể quan sát 360 độ từ buồng lái xuống mặt đất.
Tuy nhiên, dự án phát triển F-35 cũng là dự án vũ khí gây tranh cãi nhất, là dự án vũ khí đắt đỏ nhất lịch sử nước Mỹ và cũng lắm trục trặc.
Ý kiến bạn đọc