IS sẽ bị hủy diệt vì đòn hiểm của Nga và Mỹ?

08:08, 24/11/2015
|

(VnMedia) - Nga và Mỹ đang giáng “đòn hiểm” vào nhóm khủng bố khét tiếng mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bằng cách oanh kích thẳng vào nguồn sống của chúng.

Nga và Mỹ đang đánh vào nguồn sống của IS
Nga và Mỹ đang đánh vào nguồn sống của IS

 

Nhóm IS sở dĩ vươn lên mạnh mẽ, trở thành lực lượng khủng bố khét tiếng nhất thế giới là vì chúng rất mạnh về nguồn tài chính, phần lớn nhờ vào dầu mỏ. Chính vì thế, Nga và Mỹ đang đánh đúng vào điểm yếu này, tìm cách cắt đứt nguồn sống của IS, khiến chúng phải tự hủy diệt.

Các cuộc không kích của Nga đã thiêu hủy hơn 1.000 xe chở dầu thô đang được đưa đến các nhà máy lọc dầu mà IS kiểm soát. Đòn giáng này được tung ra khi Lực lượng Không quân Nga thực hiện 141 cuộc xuất kích, đánh vào 472 mục tiêu trong 2 ngày qua.

Toàn bộ chiến đấu cơ của Nga đã thực hiện các cuộc tấn công thành công và an toàn quay trở về căn cứ không quân Khmeimim ở gần Latakia, Thiếu tướng Igor Konashenkov – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một cuộc họp báo.

Trong hai ngày qua, phi đội chiến đấu cơ của Nga đã tích cực triển khai hoạt động trinh sát, xác định chính xác các mục tiêu cần đánh trước khi phát động những cuộc tấn công đạt hiệu quả cao, ông Konashenkov cho hay.

“Lực lượng máy bay ném bom của Nga đã cất cánh từ căn cứ không quân Khmeimim đi thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu nhằm phá hủy đoàn xe chở dầu và những nhà máy lọc dầu ở trong khu vực phía bắc và đông Syria đang nằm trong quyền kiểm soát của IS. Một kho dầu lớn ở cách thành phố Raqq về phía tây nam 15km đã bị phá hủy”, phát ngôn viên Konashenkov thông báo.

Trong hai ngày qua, lực lượng khủng bố ở Syria đã chịu tổn thất nặng nề nhất ở các tỉnh Deir ez-Zor, Raqqa và Aleppo, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

"Theo các thông tin được cung cấp cho chúng tôi qua trung tâm thông tin Baghdad, những kẻ khủng bố đang phải hứng chịu những mất mát, tổn thất to lớn nhất ở Deir ez-Zor, Raqqa và Aleppo", ông Konashenkov nói. Không quân Nga đã hoàn toàn phá hủy một trung tâm chỉ huy của bọn khủng bố ở gần Aleppo, khiến nội bộ lực lượng khủng bố nháo nhào, náo loạn, mất tổ chức và phải chạy lùi sâu về khu vực của chúng, tìm cách thiết lập thành trì mới.

Không chỉ có Nga, chiến đấu cơ của Mỹ cũng đang nhằm mục tiêu vào những xe chở dầu. Lực lượng máy bay chiến đấu của Mỹ mới đây cũng đã phá hủy được 283 xe chở dầu đang trên đường đưa dầu tới để tiếp tế cho nhóm IS ở đông Syria, giới chức Mỹ hôm qua (23/11) cho biết.

Đòn giáng mạnh trên là một dấu mốc mới khi liên minh do Mỹ dẫn đầu tăng cường chiến dịch nhằm vào lực lượng khủng bố IS và tập trung phá hủy cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động buôn lậu dầu mỏ của chúng – một hoạt động được cho là giúp cho IS thu về 500 triệu USD mỗi năm.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc - ông Jeff Davi cho hay, cuộc tấn công của chiến đấu cơ Mỹ diễn ra hôm thứ Bảy (21/11) ở giữa hai khu vực Al Hasakah và Dayr Az Zawr, phía đông Syria. Nó diễn ra chưa đầy một tuần sau khi liên quân của Mỹ tung đòn tương tự, phá hủy 116 xe chở dầu của IS.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã nhanh chóng trở thành một trong những nhóm khủng bố giàu nhất thế giới khi kiếm được hàng chục triệu USD mỗi tháng từ hoạt động bán dầu mỏ bất hợp pháp trên thị trường đen, từ hoạt động bắt cóc đòi tiền chuộc và tống tiền.

Theo ước tính của ông David Cohen- Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách hoạt động tình báo tài chính và khủng bố, IS kiếm được hơn 1 triệu USD mỗi ngày từ việc bán dầu thô từ những giếng dầu mà chúng chiếm được khi nhóm khủng bố này tràn vào khắp các khu vực giữa Iraq và Syria hồi đầu năm nay.

Bởi vì nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang tích tụ được tài sản và sự giàu có ở tốc độ chưa từng có từ những nguồn khác nhau, vượt xa hơn bất kỳ nhóm khủng bố nào khác trên thế giới, nên IS là một thách thức đặc biệt đáng sợ đối với thế giới trong việc tìm cách bóp nghẹt nguồn tài chính đang ồ ạt đổ vào nhóm này.

IS được đánh giá là tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới và tinh vi nhất về vấn đề tài chính. Không giống như Al-Qaeda, IS không dựa vào các nguồn tiền từ những tài trợ giàu có, thường ở các nước vùng Vịnh, hay từ các nước tài trợ. Riêng hoạt động bán dầu mỏ từ những giếng dầu mà IS chiếm được đã cho phép chúng có được khoảng 50.000 thùng dầu mỗi ngày. Chúng bán những thùng dầu đó cho những người trung gian với mức giá giảm đáng kể so với giá thị trường.

Ngoài ra, IS còn có được nguồn tài chính từ các hoạt động bắt cóc đổi lấy tiền chuộc, ăn cắp, tống tiền và cả nhận tài trợ từ những thành phần ủng hộ. Tiền chuộc không phải là khoản thu nhập thường xuyên của IS nhưng mỗi khoản thường rất lớn. Theo ông Cohen, IS đã nhận được ít nhất 20 triệu USD tiền chuộc trong năm nay, đặc biệt là thông qua việc bắt cóc phóng viên và con tin Châu Âu.

IS cũng có được nguồn tài chính từ các doanh nghiệp địa phương trong thành phố và thị trấn thông qua các hoạt động tống tiền tinh vi, trộm cắp, cướp bóc đồ cổ và bán phụ nữ, thiếu nữ làm nô lệ tình dục.

Nga và Mỹ đang tăng cường chiến dịch không kích để ngăn chặn năng lực của các chiến binh IS trong việc có được dầu mỏ bán ra thị trường đen. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd cũng cam kết ngăn chặn hoạt động mua bán dầu mỏ bất hợp pháp trên lãnh thổ của họ.

Trước đây, Mỹ từng tuyên bố sẽ đánh mạnh vào những người đang tham gia vào các hoạt động giao dịch dầu mỏ bất hợp pháp với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng.


Ý kiến bạn đọc