Phương Tây thưởng cho "kẻ thù lớn" Iran

13:24, 19/10/2015
|

(VnMedia) - Mỹ và Châu Âu bắt đầu chuẩn bị gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại đối với "kẻ thù lớn" Iran, khi thoả thuận hạt nhân lịch sử chính thức có hiệu lực. Đây được xem là động thái đền đáp cho Iran của phương Tây, sau khi Tehran có sự nhượng bộ trong tiến trình giải quyết chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Iran bắt đầu có những bước nhượng bộ làm hài lòng phương Tây trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.
Iran bắt đầu có những bước nhượng bộ làm hài lòng phương Tây trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.

Thủ tục dỡ bỏ lệnh cấm vận đang gây tổn hại đến nền kinh tế Iran đã được tiến hành đúng 90 ngày, sau khi Hội đồng Bản an Liên Hợp Quốc thông qua thoả thuận được ký ở Vienna hồi tháng 7 vừa rồi. Sự kiện này được xem là một cột mốc với tên gọi “Ngày Phê chuẩn”.

Lệnh cấm vận thương mại đối với Iran sẽ được dỡ bỏ, nhưng các công ty nước ngoài vẫn sẽ chưa được phép nối lại mối quan hệ với ngành công nghiệp dầu mỏ và ngân hàng của Iran ngay lúc này. Các biện pháp trừng phạt đó sẽ tiếp tục được duy trì cho đến khi Tehran hoàn thành hết các bước đi nhượng bộ trong chương trình hạt nhân của họ.

Giai đoạn tiếp theo trong tiến trình - “ngày thực thi” sẽ chỉ diễn ra khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran đã giảm đáng kể hoạt động trong chương trình hạt nhân của nước này.

Giới chức ở Tehran cho biết, tiến trình lâu dài nói trên có thể sẽ chính thức được khởi động trong tuần này.

Ngày hôm nay (19/10), đại diện của các nước tham gia ký thoả thuận hạt nhân với Iran gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ sẽ có cuộc gặp ở Vienna để thành lập một uỷ ban giám sát tiến trình thực thi thoả thuận.

Tehran sẽ phải giao nộp hoặc tự giảm số lượng lớn nhiên liệu hạt nhân đã qua làm giàu; dỡ bỏ phần lớn các máy ly tâm và ngừng hoạt động của một lò phản ứng có thể chế tạo plutonium. Chỉ khi hoàn thành các nhiệm vụ trên thì lệnh huỷ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh chính quyền của ông ban hành ngày hôm qua (18/10) mới có liệu lực và thương mại song phương mới bắt đầu được nối lại.

"Hôm nay đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong tiến trình ngăn chặn Iran khỏi việc chế tạo một vũ khí hạt nhân đồng thời bảo đảm chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ cho mục đích hoà bình”, ông Obama cho biết trong một tuyên bố.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry - người đóng một vai trò then chốt trong tiến trình đàm phán khó khăn giữa Iran với 6 cường quốc, nhấn mạnh thêm, “nếu thoả thuận được thực hiện một cách đầy đủ, nó sẽ đem đến một sự minh bạch và trách nhiệm chưa từng có đối với chương trình hạt nhân của Iran. Và điều này sẽ kéo dài mãi mãi”.

Liên minh Châu Âu (EU) cũng sẽ thông qua một khung pháp lý để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đang được áp đặt lên Iran. Bước đi này sẽ “đem đến cho chúng ta một bước tiếp cận gần hơn đến việc thực thi thoả thuận hồi tháng Bảy – một thoả thuận đã được chúng ta ủng hộ và cam kết mạnh mẽ”, cao uỷ chính sách đối ngoại của EU - bà Federica Mogherini cho biết trong một tuyên bố chung với người đồng cấp Iran Javad Zarif.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho biết, "Khi Iran bắt đầu tiến hành các biện pháp liên quan đến hạt nhân và Mỹ cùng các đối tác bắt đầu chuẩn bị dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt, chúng ta đang tiến gần hơn một bước đến sự thành công trong việc thực hiện thoả thuận hạt nhân Iran cũng như bảo đảm một cộng đồng quốc tế an toàn hơn”.

“Nhiệm vụ to lớn”

Trong lúc này, ông Ali Akbar Salehi - người đứng đầu Cơ quan Hạt nhân Iran, đang chờ đợi lệnh của Tổng thống Hassan Rouhani để dỡ bỏ hàng ngàn máy ly tâm khỏi hai nhà máy hạt nhân Natanz và Fordo.

"Điều chúng tôi cần hoàn thành bây giờ là một nhiệm vụ to lớn. Chúng tôi hy vọng sẽ khởi động việc thực thi nhiệm vụ ngay trong tuần này hoặc tuần tới", ông Salehi cho biết trên đài truyền hình quốc gia.

Dỡ bỏ hàng ngàn máy ly tâm phục vụ cho việc làm giàu uranium là một phần trong thoả thuận được ký kết giữa Iran với 6 cường quốc hôm 14/7. Thoả thuận này có tên gọi là Kế hoạch Hành Động Toàn diện chung.

Ngoài việc phải dỡ bỏ khoảng 6.000 máy ly tâm ở các nhà máy hạt nhân Natanz and Fordo, Iran còn phải khiến Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tin rằng, lò phản ứng Arak của Nhà nước Hồi giáo không thể được sử dụng cho các mục đích quân sự.

Trung Quốc đã nhất trí hợp tác với Iran và Mỹ trong việc “hiện đại hoá” nhà máy Arak để nhà máy này không thể chế tạo plutonium – một loại nhiên liệu có thể được sử dụng cho mục đích chế tạo bom nguyên tử, giới chức Mỹ cho hay.

Chương trình hạt nhân Iran từ nhiều năm nay đã trở thành một “cái dằm” khó chịu nhất trong quan hệ giữa Mỹ và phương Tây, đẩy hai bên vào cuộc đối đầu của những kẻ thù không đội trời chung.

Mỹ và phương Tây luôn cáo buộc Tehran tìm cách chế tạo vũ khí nguyên tử trong khi Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ mục đích dân sự.

Những giằng co, cãi cọ giữa phương Tây và Iran xung quanh vấn đề hạt nhân đã gây ra không biết bao nhiêu những cuộc khẩu chiến nóng bỏng, những lời cảnh báo, đe doạ và cả cuộc chiến trừng phạt, trả đũa. Không ít lần, cuộc đối đầu giữa phương Tây với Iran bị đẩy sát đến bờ vực của chiến tranh. Tuy nhiên, hy vọng đang loé lên sau khi cả phương Tây và Tehran đều có những bước đi nhượng bộ và kết quả là một thoả thuận lịch sử đã ra đời. Mọi việc giờ đây chỉ còn phụ thuộc và quá trình thực thi thoả thuận ở cả hai bên.


Ý kiến bạn đọc