(VnMedia) - Mỹ được cho là đang rơi vào cảm giác hoảng sợ trước Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông. Trong tình thế hoảng hốt, tuyệt vọng, giới chức Mỹ bắt đầu tính đến chuyện làm liều.
Tổng thống Obama đang đau đầu tìm cách cứu vãn thể diện cho Mỹ ở Syria. |
Bất chấp mọi lời cáo buộc, tố cáo liên tiếp được giới truyền thông và chính khách phương Tây tung ra trong thời gian vừa qua, chiến dịch không kích chống khủng bố của Nga ở Syria rõ ràng đã phát huy hiệu quả thực sự. Sau gần một tháng thực hiện những cuộc không kích quyết liệt, dồn dập và không nương tay, lực lượng chiến đấu cơ của Nga được triển khai ở Syria đã phá huỷ hàng loạt mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố khác. Trong số các mục tiêu bị Nga oanh tạc và san phẳng có rất nhiều căn cứ chỉ huy quan trọng và các kho vũ khí lớn của lực lượng khủng bố.
Nhiều nhà phân tích và cả các chính khách của phương Tây đã không ngần ngại đem ra so sánh giữa chiến dịch can thiệp quân sự của Nga với chiến dịch của liên minh hùng hậu phương Tây do Mỹ dẫn đầu ở Syria. Họ đã thẳng thừng kết luận, những cuộc không kích của Nga trong gần một tháng qua đã có hiệu quả hơn hẳn chiến dịch được thực hiện suốt hơn một năm qua của liên minh phương Tây.
Đặt trong một sự so sánh như vậy, Mỹ khó tránh khỏi cảm giác hoảng sợ và cuống bởi siêu cường số 1 thế giới rõ ràng đã bị “hạ gục” một cách ngoạn mục ở một trong những chiến trường gây chú ý nhất thế giới hiện giờ. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama giờ đây đang cực kỳ lo ngại viễn cảnh họ mất đi ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông vốn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với Mỹ. Nỗi lo lắng này hoàn toàn không thừa khi mà Nga đang làm được những điều mà Mỹ dường như không làm được.
Ít nhất cho đến thời điểm này, Nga đã thành công trong việc tiêu diệt, phá huỷ hàng loạt mục tiêu IS, làm suy yếu lực lượng khủng bố khét tiếng hàng đầu thế giới hiện nay. Dù Mỹ và phương Tây có thể không công nhận hiệu quả của chiến dịch can thiệp quân sự của Nga ở Syria nhưng các đồng minh của phương Tây trong khu vực lại thừa nhận điều này.
Không phải vô cớ mà sau Iraq, giờ đến lượt Afghanistan lên tiếng cầu cứu Tổng thống Nga Putin. Cả hai đồng minh của Mỹ đều mong muốn Nga phát động chiến dịch không kích chống khủng bố ở nước họ. Tình thế này khiến Mỹ không khỏi mất mặt và nó cũng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy cái uy, sức ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực bắt đầu suy giảm. Các đồng minh lâu nay của Mỹ đã tỏ rõ sự thiếu tin tưởng vào sức mạnh Mỹ và quay sang đặt niềm tin vào đối thủ của Mỹ.
Trong lúc này, giới chức ở Washington vẫn loay hoay, lúng túng trong chiến lược ở Syria. Sự thiếu hiệu quả trong chiến dịch không kích tiêu diệt IS của Mỹ ở Syria và Iraq đã được chứng minh. Cùng với đó, chiến lược đào tạo và trang bị vũ khí cho phe nổi dậy ôn hoà ở Syria để họ chống IS cũng đã thất bại thảm hại. Sự nổi lên của Nga ở Syria khiến Mỹ đã rối lại càng rối thêm và giới chức nước này rõ ràng đang cuống lên tìm cách điều chỉnh chính sách sao cho hiệu quả và thích hợp để cứu vãn thể diện cho họ.
"Sự sợ hãi đang khiến Tổng thống Obama phải tính lại chính sách của mình. Mỹ sợ rằng Nga và Iran sẽ chiến thắng trong cuộc ganh đua chiến lược nhằm giành ảnh hưởng mang tính quyết định ở cả Syria và Iraq”, ông Simon Tisdall – một nhà phân tích chuyên viết cho tờ The Guardian, đã nhận định như vậy.
Trong tình thế tuyệt vọng và cuống, Mỹ đang cân nhắc một loạt lựa chọn như triển khai một phi đội trực thăng tấn công đến Iraq hay tăng cường số lượng máy bay phát hiện mục tiêu để tăng tính chính xác cho những cuộc tấn công của lực lượng máy bay ném bom của liên quân. Washington cũng tính đến khả năng tăng cường hợp tác với lực lượng người Kurd ở Syria bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối một liên minh như vậy được thiết lập.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong những lựa chọn mà Mỹ đặt lên bàn vào thời điểm này là việc họ đang tính chuyện đưa bộ binh vào Syria. Đây sẽ là sự thay đổi chính sách lớn nhất mà chính quyền Obama có thể thực hiện. Nếu ông Obama quyết định đưa bộ binh vào Syria, ông này đã phá vỡ cam kết được duy trì bao lâu nay của mình về việc sẽ không để bộ binh Mỹ can thiệp vào những mớ bòng bong ở khu vực Trung Đông sau hai cuộc chiến cực kỳ tổn thất của họ ở Iraq và Afghanistan kéo dài hơn một thập kỷ.
Giới chức Mỹ gần đây liên tục ám chỉ đến khả năng đưa bộ binh vào chiến trường Syria – một điều mà chính quyền Obama được cho là rất kỵ. Kể từ khi ông Obama lên cầm quyền, ông này luôn nỗ lực tìm cách rút lực lượng Mỹ ra khỏi những vũng lầy chiến tranh ở Trung Đông mà Mỹ bị mắc vào đó suốt nhiều năm qua. Một quyết định đưa bộ binh vào Syria không đảm bảo cho việc Mỹ sẽ giành chiến thắng ở đây trong khi họ phải đối mặt với nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông. Viễn cảnh này chắc chắn sẽ không được người Mỹ ủng hộ.
Khi thông tin về việc Mỹ tính đưa bộ binh vào Syria được tung ra, nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng Washington đang cuống quá, tuyệt vọng quá nên tính chuyện làm liều?
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc