(VnMedia) - Việc Nga tham chiến ở Syria đã gây ra một làn sóng tức giận và đầy hoài nghi trong các nước ủng hộ cho lực lượng nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Moscow nhiều khả năng sắp phải “đấu” với những đối thủ mới khi có một số nước muốn can thiệp quân sự vào Syria để đối trọng lại với Nga.
Ngoại trưởng Qatar Khalid al-Attiyah |
Qatar lâu nay vốn là nước bị cáo buộc tài trợ chính cho các nhóm khủng bố đang chiến đấu trên chiến trường Syria. Hiện tại, theo nguồn tin từ các quan chức Qatar, nước này đang tích cực cân nhắc khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria.
Trong suốt hơn 4,5 năm diễn ra cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria, chính phủ Qatar luôn ủng hộ tích cực cho lực lượng chiến binh chống chính quyền của ông Assad, cung cấp vũ khí và viện trợ tài chính cho lực lượng được gọi là “phe nổi dậy”. Nhiều trong số này, giống như Mặt trận al-Nusra, có liên quan trực tiếp đến al-Qaeda.
Chiến lược của Qatar cùng với phương Tây và các nước đồng minh ở Syria không những không thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria mà còn làm tình hình mỗi lúc một tồi tệ hơn. Cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông kéo dài dai dẳng trong bế tắc với số người thiệt mạng mỗi lúc một tăng, leo lên con số khủng khiếp là gần 250.000 người. Đất nước Syria giờ đây thực sự trở thành một bãi chiến trường hoang tàn, đổ nát và chết chóc.
Hôm 30/9, Nga chính thức phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria với mục đích chính được tuyên bố là nhằm để chống lại lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – một nhóm khủng bố nổi lên mạnh mẽ từ trong tình hình hỗn loạn ở Syria và đang reo rắc nỗi kinh hoàng khắp Trung Đông cũng như khắp thế giới.
Tuy nhiên, khi chiến dịch quân sự của Nga bước vào tuần không kích thứ tư thì Qatar bắt đầu phát đi tín hiệu cho thấy nước này có thể phát động một chiến dịch không kích tương tự của riêng họ ở đất nước Syria.
"Bất kỳ điều gì có thể giúp bảo vệ người dân Syria và không để đất nước Syria bị chia cắt, chúng tôi đều nỗ lực hết sức để làm cùng với những người anh em Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út của chúng tôi, bất chấp đó là việc gì", Ngoại trưởng Qatar Khalid al-Attiyah hôm qua (21/10) đã nói như vậy khi được hỏi liệu ông này có ủng hộ lập trường của Ả-rập Xê-út về việc không loại trừ khả năng dùng đến lựa chọn quân sự để giải quyết tình hình Syria.
"Nếu một cuộc can thiệp quân sự sẽ giúp bảo vệ người dân Syria khỏi sự tàn bạo của chính quyền, chúng tôi sẽ làm điều đó”, hãng thông tấn nhà nước của Qatar – QNA dẫn lời ông Khalid al-Attiyah cho biết như vậy.
Phản ứng trước tuyên bố trên, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad đã nhanh chóng lên tiếng cảnh báo nền quân chủ ở Trung Đông rằng, một cuộc can thiệp quân sự của Qatar sẽ là một sai lầm thảm khốc với những hậu quả nghiêm trọng.
"Nếu Qatar thực hiện lời đe dọa can thiệp quân sự vào Syria, khi đó chúng tôi chắc chắn sẽ coi đó là một cuộc xâm lược trực tiếp. Phản ứng của chúng tôi sẽ là rất ác liệt”, ông Mekdad phát biểu đầy cứng rắn.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Qatar Khalid al-Attiyah nhấn mạnh, nước ông vẫn đang cân nhắc một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Syria. "Chúng tôi không sợ bất kỳ cuộc đối đầu nào và vì vậy chúng tôi sẽ kêu gọi đối thoại từ lập trường của sức mạnh bởi chúng tôi tin tưởng vào hòa bình và tin rằng con đường ngắn nhất đến hòa bình là thông qua đối thoại trực tiếp”, ông al-Attiyah cho hay.
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa Nga với phương Tây và các nước đồng minh trong khu vực Trung Đông. Tình trạng trên đã khiến cho cuộc nội chiến ở Syria đã bế tắc lại càng thêm bế tắc.
Nga từ lâu luôn ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad, nói rằng nước này sẽ không chấp nhận đòi hỏi về sự ra đi của Nhà lãnh đạo Syria như một điều kiện tiên quyết cho việc khởi động bất kỳ tiến trình hòa bình nào ở đất nước Trung Đông đang bị giày xéo bởi chiến tranh. Trong khi đó, phương Tây hậu thuẫn mạnh mẽ cho lực lượng nổi dậy Syria và khăng khăng đòi lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad.
Moscow đang nỗ lực xây dựng một liên minh rộng lớn hơn liên minh của Mỹ để chống lại IS và liên minh mới sẽ chiến đấu sát cánh bên cạnh quân đội của Syria. Nga đã đạt được thành công bước đầu trong nỗ lực nói trên khi quân đội Iraq đã nhất trí chia sẽ thông tin an ninh và tình báo với Syria, Nga và Iran trong cuộc chiến chống IS.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Nga và chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria vấp phải sự tức giận và hoài nghi rất lớn từ phương Tây và các nước thân phương Tây ở Trung Đông. Họ tin rằng, chiến dịch không kích của Nga ở Syria không phải nhằm mục tiêu vào IS mà là nhằm vào lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền của ông Assad. Phương Tây và đồng minh tin rằng, Moscow đang tìm cách củng cố quyền lực cho Tổng thống Assad.
Mặc dù khẳng định mục tiêu của chiến dịch không kích của Nga là nhằm vào IS nhưng Moscow không giấu diếm lập trường ủng hộ đồng minh Assad của họ. Moscow nhiều lần nhấn mạnh, việc duy trì chính quyền Syria hợp pháp là cách duy nhất để bảo vệ sự ổn định của khu vực Trung Đông.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc