Mỹ sững sờ nhìn đồng minh lần lượt chạy theo Nga

07:13, 13/10/2015
|

(VnMedia) - Mỹ bỗng chốc bị mất uy thế ở Trung Đông. Cay đắng hơn, các đồng minh của Mỹ trong khu vực có vẻ như đều đang hướng về phía Nga.

Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Ả-rập Xê-út
Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Ả-rập Xê-út

 

Giới nghị sĩ và dân thường ở khu vực trung tâm của người Shiite ở Iraq đã hết lời ca ngợi Nga về chiến dịch không kích chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở nước láng giềng Syria. Cùng với đó, họ cũng không ngại ngần lên tiếng chỉ trích sự thất bại của Mỹ ở khu vực, báo chí Mỹ hôm qua (12/10) đưa tin.

Hôm 30/9, Nga đã chính thức phát động chiến dịch can thiệp quân sự nhằm vào các mục tiêu của IS theo lời đề nghị của Tổng thống Bashar Assad. Chiến dịch này có sự phối hợp giữa Nga với Iraq, Iran và Syria thông qua Trung tâm Thông tin Baghdad vừa mới được thành lập.

"Sự can thiệp quân sự của Nga được hoan nghênh không phải bởi vì họ thích sự can thiệp mà bởi vì sự thất bại của Mỹ”, người đứng đầu hiệp hội nhà văn ở Iraq - ông Faris Hammam hôm 11/10 đã cho biết như vậy trên tờ New York Times.

Các thành viên của Tổ chức Shi’ite Badr đã nói rằng, họ sẽ “ủng hộ mạnh mẽ” cho cả chiến dịch không kích của Nga ở Iraq lẫn việc Nga có vai trò lớn hơn trong toàn bộ khu vực Trung Đông, khi mà cách tiếp cận của Mỹ trong cuộc chiến chống IS “không nghiêm túc”.

Tờ báo của Mỹ còn cho biết, một giáo sư ở phía nam Iraq đã tỏ ý hoài nghi năng lực của Washington trong việc chống lại IS. “Người Mỹ có công nghệ để phát hiện nước trên sao Hỏa... Vì vậy, tại sao họ lại không thể đánh bại được IS”, giáo sư trường Đại học Kufa - ông Ahmed Naji nhấn mạnh.

Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq và hiện là thành viên Quốc hội - ông Ibrahim Bahr Ulum tiết lộ, hầu hết người Iraq “cảm thấy Nga nghiêm túc hơn là Mỹ” trong nỗ lực đánh đuổi IS ra khỏi đất nước Syria.

Theo lời ông Ulum, dân thường Iraq xem Nga là cường quốc lớn hơn Mỹ. “Điều mà người dân quan tâm là làm thế nào để đánh đuổi Daesh (IS) ra khỏi đất nước Iraq”. Nhớ lại chiến dịch chống Saddam Hussein của Mỹ năm 2003, người Iraq tự hỏi tại sao tiến trình chống IS của siêu cường số 1 thế giới lại “chậm chạp một cách khó hiểu như vậy”.

Trong khi đó, chính Thủ tướng đương nhiệm của Iraq - ông Haider Abadi cũng thừa nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây rằng, các nỗ lực của Nga trong việc chống lại IS rất có ích trong cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq.

Giới lãnh đạo Iraq tỏ ra thất vọn về thái độ của Washington. Họ tin rằng, Mỹ “không nghiêm túc” trong cuộc chiến chống IS. Vì thế, rất dễ hiểu là họ đã hướng ánh mắt trông chờ sang đối tác mới là Nga.

Có nhiều bằng chứng cho thấy giới chức Iraq không hài lòng với kết quả của chiến dịch không kích IS của Mỹ và liên quân ở khu vực và họ đã quay sang đặt kỳ vọng vào Nga. Đầu tiên, lực lượng quân sự Iraq đã thông báo thiết lập trung tâm chia sẻ thông tin tình báo với Nga, Iran và Syria trong cuộc chiến chống IS.

Thứ hai, Thủ tướng Iraq Abadi cho biết, ông sẽ ủng hộ ý tưởng đề nghị quân đội Nga tiến hành không kích IS ở lãnh thổ nước này.

Và cuối cùng, đại giáo chủ Hồi giáo dòng Shiite Ayatollah Ali al-Sistani kêu gọi Iraq mở rộng liên minh quốc tế chống IS. Đây là phát biểu ám chỉ ông này ủng hộ Nga tham gia chiến dịch chống IS.

Một nguồn tin giấu tên trong Bộ Ngoại giao Iraq cho biết, Mỹ đã đặt ra quá nhiều điều kiện để trao đổi vũ khí. Bộ trưởng Quốc phòng Iraq đi xa hơn khi trong chuyến thăm Moscow đầu năm nay đã nói, “vũ khí Nga dược chứng minh là tốt nhất”.

Lực lượng Không quân Nga đã thực hiện hàng chục cuộc không kích trong chiến dịch kéo dài gần 2 tuần qua, phá hủy hàng trăm thành trì và thiết bị của nhóm IS, đồng thời cho phép quân đội chính phủ Syria giải phóng những khu vực lớn khỏi tay phe nổi dậy.

Đến lượt Ả-rập Xê-út cũng theo Nga?

Ả-rập Xê-út - một trong những nước lớn hàng đầu Trung Đông và cũng là đồng minh lớn hàng đầu của Mỹ ở khu vực, cũng đang có dấu hiệu hướng tới Nga. Nếu tình hình đúng là tiến triển theo chiều hướng như thế này thì đây sẽ là một cú sốc thực sự đối với Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối tuần vừa rồi đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Ả-rập Xê-út. Đây được xem là nỗ lực lớn nhất của Moscow cho đến thời điểm này nhằm chìa tay ra với các kẻ thù của Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ khi Moscow chính thức tham chiến ở Syria.

Phát biểu sau cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay, cả hai  nước đã sẵn sàng hợp tác với nhau ở Syria và muốn ngăn chặn viễn cảnh “một nhà nước Hồi giáo của bọn khủng bố” được lập nên.

Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria đã làm nhiều kẻ thù khu vực của ông Assad nổi giận, trong đó có Ả-rập Xê-út. Ả-rập Xê-út ủng hộ Nga chống IS nhưng nước này lo ngại chiến dịch không kích của Moscow là nhằm tấn công phe nổi dậy Syria chống Assad chứ không phải nhằm vào IS như tuyên bố.

Ông Lavrov thừa nhận Ả-rập Xê-út “quan ngại” về mục đích của Nga nhưng Moscow nhấn mạnh chiến dịch quân sự của họ chắc chắn là chỉ nhằm vào lực lượng khủng bố, bao gồm IS và nhóm Jabhat al Nusra có liên quan đến al Qaeda.

Có vẻ như sức mạnh quân sự của Nga thực sự gây ấn tượng và điều đó đã khiến Ả-rập Xê-út đồng ý với Moscow về việc họ nên hợp tác ở Syria. Đây rõ ràng là một diễn biến đầy bất ngờ và nó có thể khiến Mỹ sốc.

Ngoài việc thể hiện mong muốn phối hợp chặt chẽ hơn với Nga trong cuộc chiến chống IS, Ả-rập Xê-út còn gây bất ngờ thêm nữa khi thể hiện sự thay đổi lập trường nhất định trong vấn đề liên quan đến số phận của ông Assad.

Thay vì khăng khăng đòi lật đổ ngay lập tức ông Assad, Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út hôm qua đã nói rằng, nước ông ủng hộ một cuộc đối thoại giữa chính phủ hiện tại ở Syria với phe đối lập và rằng Ả-rập Xê-út sẽ ủng hộ ý tưởng về một chính phủ chuyển tiếp.


Ý kiến bạn đọc