(VnMedia) - Tuần này, các chuyên gia quân sự của Nga sẽ thực hiện một chuyến bay giám sát trên không phận Thổ Nhĩ Kỳ để minh bạch hóa các hoạt động quân sự chung. Đó là thông tin vừa được người đứng đầu Trung tâm Cắt giảm Rủi ro Hạt nhân Quốc gia của Nga đưa ra hôm nay (12/10) trong một tuyên bố.
Theo đó, các chuyến bay này sẽ được tiến hành từ ngày 12 đến 16/10 trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở, khởi hành từ một phi trường ở Diyarbakir. Đây là chuyến bay giám sát thứ 33 mà Nga tiến hành trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở trong năm nay.
Đây là chuyến bay thanh sát thứ 33 của Nga trong năm nay. |
Các chuyên gia của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có mặt trên khoang máy bay để giám sát việc sử dụng các thiết bị và đảm bảo các thanh sát viên Nga tuân thủ hiệp ước Bầu Trời Mở. Không một loại vũ khí nào được có mặt trên khoang máy bay.
“Các chuyên bay giám sát được thực hiện nhằm thúc đẩy sự minh bạch trong các hoạt động quân sự của các quốc gia thành viên tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở và tăng cường an ninh thông qua các biện pháp đáng tin cậy”, ông Ryzhkov giải thích.
Chuyến bay này được thực hiện chỉ 1 tuần sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tố chiến đấu cơ Nga xâm phạm không phận của nước này.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi Đại sứ Nga tại Ankara và “mạnh mẽ phản đối" hành vi xâm phạm không phận của máy bay Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, một máy bay Nga đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/10, buộc Không quân nước này phải triển khai các chiến đấu cơ F-16 để ngăn chặn.
Truyền thông đưa tin, chiến đấu cơ Nga bị cáo buộc xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ chính là tiêm kích Su-30. Thổ Nhĩ Kỳ tố chiến đấu cơ Nga xâm phạm không phận của mình tại vùng Yayladağı, miền nam tỉnh Hatay của nước này.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, chiến đấu cơ Nga đã ra khỏi không phận Thổ Nhĩ Kỳ và bay vào không phận Syria sau khi bị chặn bởi hai chiếc F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, khi nó đang tiến hành tuần tra trong khu vực.
Trước sự việc trên, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu phía Nga tránh lặp lại hành động xâm phạm tương tự, nếu không Moscow sẽ phải "chịu trách nhiệm về mọi sự cố không mong muốn có thể xảy ra".
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ còn cho biết, họ không chỉ triệu hồi Đại sứ Nga tại nước này mà Ngoại trưởng Feridun Sinirlioglu còn gọi điện trao đổi với người đồng cấp Nga - Ngoại trưởng Sergei Lavrov để bày tỏ quan ngại của Ankara về sự việc trên.
Không chỉ có vậy, ông Sinirlioglu còn hội đàm qua điện thoại với đối tác Mỹ, Pháp, Ý và Anh cũng như Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier để thảo luận về vụ việc.
Tuy nhiên, phía Nga giải thích cho sự cố trên là do điều kiện thời tiết xấu.
Giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tồn tại những bất đồng sâu sắc về cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria. Trong khi Ankara cho rằng việc lật đổ nhà lãnh đạo Syria – Bashar al-Assad là giải pháp duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu tại nước láng giềng thì Moscow lại ủng hộ chính quyền của nhà lãnh đạo này.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những quốc gia phản đối kịch liệt chiến dịch không kích chống IS của Nga tại Syria, cho rằng, đây là hành động “không thể chấp nhận được”.
Hiệp ước Bầu Trời Mở được đưa ra theo một sáng kiến của Tổng thổng Mỹ khi đó là George H.W.Bush. Hiệp ước là bản quy ước được 27 nước thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thông qua ngày 24/3/1992 tại Helsinki, Phần Lan, đến nay đã có 34 nước thành viên tham gia hiệp ước này.
Mục đích của Hiệp ước là nhằm hỗ trợ tính công khai và minh bạch của hoạt động quân sự, giám sát việc tuân thủ các hiệp ước hiện hành trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, cũng như thắt chặt an ninh thông qua việc củng cố các biện pháp tin cậy.
Hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 1/1/2002, cho phép các quốc gia thành viên thực hiện những chuyến bay quan sát không vũ trang trên lãnh thổ của nhau (bao gồm cả đất liền, đảo và các vùng lãnh hải).
Ý kiến bạn đọc