Nỗi lo tên lửa Triều Tiên bắn trúng máy bay dân dụng

15:30, 16/09/2017
|
Những vụ thử tên lửa đạn đạo liên tục gần đây của Triều Tiên hướng về Thái Binh Dương đang làm dấy lên lo ngại rằng tên lửa có thể bắn trúng các máy bay chở khách của các hãng hàng không quốc tế.
 
Khi Triều Tiên phóng tên lửa bay qua Nhật Bản hướng về Thái Bình Dương, những tên lửa này đã bay qua không phận quốc tế phía trên những máy bay dân dụng, khiến Nhật Bản phải báo động cho những công dân của họ tìm chỗ trú ẩn.
 
Đáng nói là hàng loạt vụ thử tên lửa gần đây đều không có cảnh báo trước. Điều này làm dấy lên câu hỏi: "Liệu có khi nào những tên lửa này sẽ bắn trúng một máy bay chở đầy hành khách không?"
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Nguồn: KCNA/REUTERS
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Nguồn: KCNA/REUTERS
Tỉ lệ rất thấp
 
Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ xảy ra thảm họa này là rất thấp nhưng không thể loại trừ hoàn toàn.
 
"Nếu một máy bay dân dụng bị bắn trúng, áp lực đòi hỏi Mỹ và các nước đồng minh phải đáp trả bằng quân sự sẽ lên cao vô cùng"- chuyên gia Vipin Narang tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) cho biết. Ông cũng nhận định rằng tình huống này rất khó xảy ra nhưng vẫn sẽ là "con đường tắt" dẫn đến chiến tranh vô cùng nhanh chóng.
 
Ông Ankit Panda, làm việc cho tạp chí The Diplomat cũng đồng tình: "Những vụ thử tên lửa đạn đạo này có thể trở thành mối đe dọa với các máy bay dân dụng".
 
Triều Tiên hoàn toàn không thông báo trước về các vụ thử tên lửa gần đây đồng nghĩa với việc không ai có thể đoán biết được lúc nào chúng xuất hiện và bay theo đường bay nào. Thông thường, các quốc gia thử vũ khí sẽ phải thông báo trước từ sớm để tàu thuyền và máy bay dân dụng tránh khu vực nguy hiểm.
 
Ông Panda giải thích: "Rất khó xác định mối nguy thật sự từ các vụ thử này. Khả năng xảy ra thảm họa rất thấp vì bạn đang nói đến 2 vật thể tương đối nhỏ va chạm với nhau trong một không gian 3 chiều".
 
Triều Tiên cũng như các nước khác đều có thể tiếp cận dữ liệu hàng không dân dụng quốc tế nên các nhà khoa học của họ hoàn toàn có thể nghiên cứu trước vùng không trung mà họ định phóng tên lửa và xác định xem vùng nào có rất ít hoặc hầu như không có người cư trú.
 
"Bình Nhưỡng chắc chắn muốn giảm thiểu nguy cơ xảy ra bất cứ sự cố nào. Trái với nhận định của mọi người, họ không muốn xảy ra sự cố nên sẽ nghiên cứu đường bay cẩn thận để giảm thiểu rủi ro" – ông Panda nhận định.
 
Hai yếu tố đáng lo
 
Tuy vậy, nguy cơ xảy ra va chạm vẫn tiềm tàng bởi 2 yếu tố: tên lửa có thể đột ngột đổi hướng bay vào không phận nhiều máy bay hoạt động; hoặc tên lửa có thể nổ tung trên không trung và tạo ra vô số mảnh vỡ.
 
Bình Nhưỡng đã hiệu chuẩn các cuộc phóng thử sao cho tên lửa của nước này chỉ bay qua phần mỏng nhất của lãnh thổ Nhật Bản trong một lộ trình mà họ dự liệu rằng giao thông hàng không dân dụng chỉ ở mức tối thiểu. Theo Phó Giáo sư Narang của MIT, những hiệu chuẩn này được dựa trên giả thiết rằng cuộc phóng thử nghiệm sẽ thành công.
 
Ông Narang cảnh báo: "Vụ thử tên lửa mới nhất hôm 15-9 có thể là tên lửa Hwasong 12 – loại tên lửa từ trước đến nay có tỷ lệ phóng thành công không cao nên nó hoàn toàn có thể bị lệch hướng và bay vào vùng không phận đông đúc hơn".
 
Phó Tổng biên tập Panda cũng lý giải thêm: "Nếu bị nổ tung đâu đó trên không trong hành trình, nó cũng có thể tạo ra vô số mảnh vỡ lớn có thể gây nguy hiểm cho máy bay dân dụng ở độ cao lớn".
 
Tóm lại, tỷ lệ thất bại cao trong các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong quá khứ càng làm tăng khả năng xảy ra nguy cơ tên lửa Triều Tiên va chạm hoặc bắn trúng các máy bay dân dụng.
 
Đề cao cảnh giác
 
Dù khả năng xảy ra rủi ro va chạm với tên lửa Triều Tiên là rất thấp song các hãng hàng không dân dụng quốc tế đều đã và đang cân nhắc các biện pháp đề phòng.
 
Nhà phân tích Ellis Taylor của trang tin tức hàng không FlightGlobal cho biết: "Một số hãng hàng không đã chuyển các đường bay để tránh khu vực giữa Triều Tiên và đảo Hokkaido - Nhật Bản.
 
Cũng theo ông Taylor, hồi đầu tháng 8, hãng Air France đã mở rộng khu vực cấm bay của họ quanh Triều Tiên.
 
Ngoài ra, còn một nguy cơ nữa mà các hãng hàng không đều đang thận trọng dè chừng. Những thảm họa như vụ máy bay MH17 bị tên lửa bắn rơi trên bầu trời Ukraine khiến các hãng phải cảnh giác nguy cơ máy bay dân dụng của họ bị nhận nhầm là máy bay quân sự hoặc bay gần không phận đang "nóng lên" từng ngày.
 
Điều này có nghĩa rằng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang trên bán đảo Triều Tiên, các hãng hàng không có thể sẽ quyết định chọn những đường bay tránh xa hẳn khu vực này.
 
Theo nld.com.vn

 


Ý kiến bạn đọc